(HNM) - Từ ngày 20-9-2011, thành phố bắt đầu tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu (từ Hàng Khay đến Nguyễn Du).
Sau đó thêm 3 tuyến khác gồm: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Xã Đàn và Giải Phóng (từ Kim Liên đến Pháp Vân) cũng được tổ chức tách làn. Việc tách làn nhận được sự ủng hộ của dư luận, giảm xung đột giao thông, nhưng sau một thời gian triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt là khó khăn trong xử lý vi phạm.
Người dân cần có ý thức trong thực hiện phân làn, tách dòng phương tiện để góp phần làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Ảnh: Nhật Nam
Tiếp tục phân làn, tách dòng trên ba tuyến phố
Sau những kết quả nhất định từ việc phân làn, tách dòng ở 5 tuyến phố nói trên, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 11355/UBND-GT chấp thuận đề nghị của Sở GTVT tại tờ trình phương án phân làn trên các phố Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Hoàng Quốc Việt và Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư. Tuyến Hoàng Quốc Việt dài 2,56km sẽ được tách thành một làn trái cho ô tô, làn còn lại cho xe máy, xe đạp, xe thô sơ. Tuyến Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư dài 5,24km được bố trí 2 làn trái dành cho ô tô, phần còn lại bên phải dành cho các phương tiện khác. Tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú dài gần 6,1km sẽ chia thành một số đoạn với phương án tách làn riêng. Điểm đáng chú ý của việc phân làn tại tuyến này là 2 làn trái dành cho ô tô, xe dưới 24 chỗ; phần còn lại bên phải dành cho xe buýt, taxi, xe tải, xe khách trên 24 chỗ; phần đường bên trong dành cho xe máy, xe thô sơ. Như vậy, xe buýt sẽ không còn được ưu tiên dành đường riêng như hiện nay. Việc chia tách làn phương tiện sẽ dùng vách đứt nối tiếp dải phân cách mềm. Theo Sở GTVT, các vạch sơn đứt vừa có tác dụng tách dòng vừa tạo điều kiện cho phương tiện ra vào cơ quan, nhà dân, điểm dừng, đỗ xe buýt. Việc tổ chức phân làn, tách dòng sẽ chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 do lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với các đơn vị quản lý tổ chức chốt hướng dẫn, nhắc nhở phương tiện đi đúng phần đường; giai đoạn 2, Công an TP tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Không dễ xử lý vi phạm
Việc tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện nhận được sự ủng hộ của dư luận và phần lớn người tham gia giao thông chủ động tuân thủ quy định. Tách làn giúp dòng giao thông lưu hành thuận lợi, trật tự, giảm xung đột, va chạm. Ý thức của người tham gia giao thông từng bước cải thiện, góp phần xây dựng thói quen văn minh. Nhưng vẫn còn không ít người điều khiển phương tiện đi "nhầm chỗ" và tình trạng này có dấu hiệu tăng lên sau khi lực lượng Thanh tra GTVT rút đi. Theo phương án tách làn phương tiện trên 5 tuyến phố thực hiện đầu tiên, kể từ ngày 1-12-2011, các lực lượng chức năng sẽ bắt đầu kiểm tra, xử phạt chủ phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, việc kiểm tra, xử lý lỗi đi "nhầm làn" gặp không ít khó khăn. Nguyên do là sau đoạn dải phân cách mềm là sơn vạch đứt chia làn thay vì vạch liền. Một số chiến sĩ cảnh sát giao thông, Thanh tra GTVT thừa nhận rất khó để xử phạt người điều khiển phương tiện, trừ khi họ "nhầm chỗ" ngay tại điểm đặt dải phân cách mềm. Nếu sơn vạch liền chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng của các hộ dân sống hai bên phố, bởi họ sẽ không thể tách làn để vào nhà mà không vi phạm pháp luật.
Với thực tế hiện nay, đây là bài toán không dễ tìm đáp số chuẩn xác nhất. Điều cần thiết đặt ra là các cơ quan chức năng cần xác định, phân loại từng tuyến phố cụ thể để có giải pháp xử lý phù hợp. Ví dụ như tuyến Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư chiều từ đường Trần Hưng Đạo đi theo hướng tới đường Thanh Niên, hoàn toàn có thể dùng vạch liền để việc xử lý vi phạm thuận lợi, bởi trên tuyến này không có nhà dân ngay bên đường. Với những phố không thể dùng vạch liền, thay vì yêu cầu xử phạt có lẽ là tuyên truyền, nhắc nhở để mỗi người tự ý thức, điều chỉnh hành vi giao thông. Trong các tờ trình phương án phân làn, Sở GTVT đều đề nghị giao nhiệm vụ cho UBND các quận liên quan bố trí lực lượng tự quản phường tham gia quản lý, hướng dẫn giao thông thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cách tiếp cận này có vẻ phù hợp và thuận lợi hơn cho các lực lượng chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.