(HNM) - Những ngày mùa Thu lịch sử này, hòa trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, niềm vui của người dân Hà Nội càng được nhân lên gấp bội, bởi sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến rất gần. Tự hào, phấn khởi trước những thành tựu ngày một vững chắc, người dân càng tin tưởng hơn vào sự ổn định và phát triển toàn diện của Thủ đô.
Ông Nguyễn Doãn Thiều (Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, ở ngõ 135, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình): Phấn khởi trước những thành tích đạt được của thành phố
Là một cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng hằng ngày tôi vẫn luôn quan tâm, theo dõi và hết sức tự hào, phấn khởi về những kết quả trên tất cả các mặt của đời sống xã hội mà Thủ đô đã đạt được trong thời gian qua, nhất là sau hơn 2 năm hợp nhất. Đã 65 năm độc lập, thế hệ chúng tôi hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy, chính quyền thành phố và cũng mong muốn trong thời gian tới, thành phố có sự quan tâm thiết thực hơn đến các đối tượng là cán bộ hưu trí, người nghèo... cũng như đời sống, việc làm cho người dân ngoại thành, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào người dân tộc trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Mai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng): Phải nỗ lực hơn nữa
Thành tích rất nhiều, song mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người dân vẫn phải nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, xác định rõ trách nhiệm của bản thân đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn cũng như trong mọi công việc hằng ngày. Các cấp chính quyền của thành phố cần nỗ lực hơn nữa, nhất là giải quyết các lĩnh vực "nóng", trong đời sống xã hội như giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, giao thông đô thị, thực hiện cải cách hành chính, những bất cập trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; vệ sinh môi trường; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng nếp sống văn hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo... Nhân dân rất hoan nghênh và mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố, trong đó có Báo Hànộimới tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần định hướng dư luận.
Chị Vũ Thị Cúc (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa): Càng thấy được hơn trách nhiệm của bản thân với xã hội…
Các hoạt động hướng về ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được người dân hoan nghênh, hưởng ứng và chúng tôi vẫn đang ngóng chờ thời khắc thiêng liêng ấy. Với thời gian không phải là nhiều, nhưng thành phố đã hoàn thành được rất nhiều việc lớn, có được những hoạt động, những công trình mang tính văn hóa cao… và điều ấy đã đặt ra cho bản thân tôi và mọi người phải suy nghĩ về những đóng góp của mình đối với xã hội. Là một giáo viên, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, dạy dỗ để các em không quên lịch sử, không quên trách nhiệm của bản thân với cộng đồng…
Ông Bùi Văn Vĩnh (cán bộ hưu trí thôn Cầu, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức): Những hoạt động kỷ niệm rất có ý nghĩa.
Các hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, Thủ đô như: triển lãm cây cảnh nghệ thuật ở Vườn hoa Lý Thái Tổ ngày 25-8, trưng bày bức tranh thêu khổ lớn với chủ đề "Cội xưa" ở Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, tổng kết và trao giải cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại hội Thi đua yêu nước của các cấp, ngành, địa phương... đã đem đến cho tôi sự lạc quan, phấn khởi và niềm tin về một tương lai tươi sáng. Tôi hy vọng, các hoạt động kỷ niệm này sẽ tạo sức bật mới cho Thủ đô đi lên và sẽ "thấm" đến nhiều người, để mỗi người tự nhìn nhận rõ hơn về mình, từ đó gìn giữ, phát huy những mặt tốt đẹp và tự hạn chế những mặt xấu.
Bà Nguyễn Thị Nhung (cán bộ Cục Thống kê Hà Nội): Cần có nhiều chính sách ưu đãi đối với CBCCVC
Trong thời gian qua, kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng; đời sống của người dân được cải thiện; các yếu kém, tồn tại từng gây bức xúc trong dư luận nhân dân trên các lĩnh vực xây dựng, giao thông đô thị… từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) ở các ngành nghề còn gặp khó khăn, nhất là về nhà ở. Tôi được biết, thành phố đã và đang có chính sách bán căn hộ với giá ưu đãi cho các CBCCVC có thu nhập thấp. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để những chính sách ưu việt đó thực sự đi vào cuộc sống và những ngôi nhà đó đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đến được với những người thực sự có nhu cầu. Phải có sự giám sát chặt chẽ, công tâm của các cơ quan chức năng, để CBCCVC nghèo vẫn có nhà để ở. Chúng tôi rất mong Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm hơn nữa, đồng thời có những giải pháp để không ngừng nâng cao đời sống của CBCCVC.
Ông Tạ Quang Hưng (Giám đốc Công ty TNHH Quang Huy, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất):Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động
Hòa cùng không khí kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cũng đang tích cực thi đua lập nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với sự tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố, các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư vốn, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động, mang lại nhiều của cải, vật chất cho xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố đã có nhiều đổi mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế. Chúng tôi rất mong các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.