(HNM) - Với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt hơn 11,2 tỷ USD năm 2010, tăng 23,2% so với năm 2009, nước ta đã lọt vào top 5 nước XK dệt may (DM) lớn nhất thế giới. Trong đó, riêng Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) đóng góp 2,1 tỷ USD, tăng 23%. Năm 2011, toàn ngành phấn đấu đưa Việt Nam đứng trong top 3 nhà XK DM lớn nhất thế giới.
\Năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào như bông, xơ và lãi suất ngân hàng tăng cao, lao động khó tuyển dụng, nhưng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nên sản xuất của ngành DM tiếp tục tăng trưởng cao. Đồng thời, tăng được thị phần vào 3 thị trường chính, trở thành nhà XK đứng thứ 2 vào Mỹ với kim ngạch đạt hơn 6 tỷ USD (tăng 22%), đứng thứ 3 ở thị trường Nhật Bản (đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20%) và đứng thứ 7 ở thị trường châu Âu (đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20%). Điều đó chứng tỏ ngành DM nước ta đang chiếm được lòng tin của bạn hàng quốc tế. Ngoài những thị trường truyền thống, DM Việt Nam đã tiếp cận với nhiều thị trường mới như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, các nước ASEAN. Sản phẩm sợi đã vào được thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã ký được hợp đồng cung cấp đơn hàng đến giữa năm 2011, thậm chí đến hết quý IV với giá gia công tăng 10-15% so với năm 2010.
Trước những kết quả tích cực đó, ngành đặt mục tiêu đến năm 2015, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 60%, kim ngạch XK đạt 18-20 tỷ USD, thu hút trên 2,5 triệu lao động; phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hợp tác hóa, đưa Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực. Riêng năm 2011, đạt kim ngạch khoảng 12,7-13 tỷ USD; đứng trong top 3 nhà XK DM lớn nhất thế giới.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex cho biết, để đạt được mục tiêu này, ngành đã xây dựng chiến lược phát triển rất cụ thể. Trong đó, xây dựng mô hình trung tâm DM hoàn chỉnh, gồm các chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất sợi, dệt, nhuộm hoàn tất, đến may trọn vẹn một sản phẩm tại các khu công nghiệp có xử lý môi trường tốt; đào tạo lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao. Tập trung phát triển theo hướng "chất lượng, thời trang, trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường". Tái cơ cấu phương thức kinh doanh ngành may XK theo hướng chuyển dần từ gia công sang sản xuất sản phẩm với thiết kế của DN trong nước; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chất lượng cao đi đôi với xây dựng thương hiệu thời trang; dịch chuyển các nhà máy về địa phương nhằm gắn liền lực lượng lao động với nơi ăn ở...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.