(HNMO) - Ngày 14-4, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 và triển khai chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020.
Sở Công thương tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả 5 năm công tác khuyến công |
5 năm qua, bên cạnh các hoạt động quản lý nhà nước, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp lồng ghép các hoạt động khuyến công để triển khai thực hiện chương trình nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; kết hợp hoạt động khuyến công với xúc tiến thương mại để thực hiện chương trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.
Trong việc truyền nghề và nhân cấy nghề, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, trong giai đoạn 2011 – 2015, Hà Nội đã tổ chức 473 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 17.800 lao động nông thôn với các nghề như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, cơ khí... Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, trên 80% số lao động có việc làm. Đặc biệt từ năm 2012 - 2015 đã cấy nghề cho 250 làng thuần nông, các làng được cấy nghề cơ bản duy trì được nghề sau khi cấy.
Bên cạnh đó, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, Hà Nội đã tổ chức 35 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng… cho 3.000 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn… Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý công tác khuyến công.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp nông thôn giai đoạn này đạt hơn 10%/năm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gần 50.000 lao động nông thôn. Cũng từ chương trình này, hơn 5.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ kinh phí khuyến công; hơn 1.000 mẫu sản phẩm mới được tạo ra giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng…
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn chế, nhiều cơ sở sản xuất phát triển tự phát, vì vậy sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp, nhất là giai đoạn Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Mặt khác, công tác tuyên truyền về hoạt động khuyến công còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cấy nghề, chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát huy lợi thế cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung phát huy lợi thế các doanh nghiệp tiềm năng làm nòng cốt để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển mẫu mã, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ thiết bị, xử lý ô nhiễm môi trường.
Phấn đấu hơn 7.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 60.000-75.000 lao động nông thôn; tạo ra hơn 2.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu, nâng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 12-15% và đạt hơn 400 triệu USD vào năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.