(HNM) - Hôm qua 7-12, HĐND TP Hà Nội chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 22. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, kinh tế năm 2010 tăng trưởng nhưng còn thiếu tính bền vững; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp còn nhiều bất cập;
Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh khai mạc kỳ họp. Ảnh: Viết Thành
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, kinh tế năm 2010 tăng trưởng nhưng còn thiếu tính bền vững; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp còn nhiều bất cập; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, tai nạn giao thông chưa giảm; chưa tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị; vẫn còn những điểm bất cập, chồng chéo trong phân cấp quản lý kinh tế - xã hội (KT-XH)...
Tuy nhiên, điểm nổi bật của năm 2010 chính là sức bật của kinh tế Thủ đô trước những khó khăn gay gắt do tác động của tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP ước tính tăng 11% (vượt chỉ tiêu HĐND TP đề ra 9-10%), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,4%, xây dựng tăng 12,2%; ngành tài chính, tín dụng tăng 15,2%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 20,8%. Thu ngân sách nhà nước có thể đạt 96.440 tỷ đồng, tăng 12,9% so với dự toán Chính phủ giao; an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn, sự nghiệp văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện... "Những kết quả đạt được trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong các năm sau" - Chủ tịch HĐND TP kết luận.
Trong phần báo cáo ngay sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã phân tích nguyên nhân thành công đầu tiên và quan trọng nhất của năm 2010 là sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. UBND TP cũng thẳng thắn chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Qua đó, nhấn mạnh vẫn còn tình trạng "kỷ cương hành chính trong quản lý, xử lý trách nhiệm về vi phạm ở một số đơn vị chưa nghiêm; chất lượng cán bộ ở một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tình trạng cán bộ ngại va chạm, không quyết liệt trong giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực".
Tránh tư tưởng xả hơi, thỏa mãn
Tại phiên khai mạc buổi sáng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có bài phát biểu quan trọng với HĐND và nhân dân TP. Khẳng định thành công của năm 2010 là nỗ lực phấn đấu hết sức to lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, Bí thư Thành ủy đã dành thời gian đề cập quan điểm chỉ đạo, quyết tâm trong công việc đặt ra đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo TP trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, cần hết sức tránh tư tưởng xả hơi, thỏa mãn, nhất là sau thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội (ĐH) Đảng bộ TP và những kết quả KT-XH hết sức ấn tượng: "Cần lưu ý về tình trạng đua nhau đề nghị đi nước ngoài như thể phong trào, đến mức UBND TP phải ra văn bản chấn chỉnh như vừa qua". Theo đồng chí, ngay sau ĐH Đảng bộ lần thứ XV, TP đã chỉ đạo bắt tay ngay vào việc một cách khẩn trương, quyết liệt. Tinh thần đó phải liên tục được duy trì. Cần phải tận dụng thế và lực có được của hiện tại để duy trì và phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn. Bởi vì nếu không, chỉ một chút lơ là, thiếu sâu sát, "nhiều khi TP "mất điểm" ngay trên những vấn đề đang cố gắng làm tốt".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đồng thuận trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với kết quả mọi mặt của TP, đồng chí Bí thư Thành ủy lấy 2 ví dụ về khó khăn do chưa có được sự đồng thuận. Đó là việc xây dựng nghĩa trang sinh thái ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn và việc xây dựng cầu vượt cho người đi bộ (không ai chịu để chân cầu vượt chắn trước nhà mình). Đồng chí khẳng định, trước những việc như thế, cán bộ lãnh đạo các cấp TP phải là tấm gương "nói đi đôi với làm", tất cả là vì nhân dân, từ đó mới xây dựng được lòng tin, sự ủng hộ của nhân
Đại lễ đã thành công trên nhiều mặt
UBND TP có báo cáo dài 22 trang đánh giá công tác tổ chức hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. UBND TP quả quyết rằng, thành công của Đại lễ là nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Thành công của Đại lễ thể hiện trên 5 mặt chủ yếu: Giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm lịch sử: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình và Hữu nghị được tôn vinh, mang tầm quốc gia và quốc tế; bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc, lòng tin yêu Đảng và chế độ ta của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước; tăng cường một bước quan trọng, có tính chất đột phá về tiềm lực vật chất, tinh thần, tạo động lực để Thủ đô và đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới; các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", mọi người con dân tộc Việt Nam đều hướng về Thủ đô và đất nước thân yêu... Việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh và nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô và đất nước; đồng thời cho thấy khả năng Thủ đô chúng ta có thể đăng cai tổ chức được những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.
Báo cáo của UBND TP cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém cần rút kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm Đại lễ, cụ thể là sơ suất kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị pháo hoa phục vụ Đêm hội văn hóa - nghệ thuật, sự tham gia đông đảo quá mức dự báo, với số lượng người và phương tiện giao thông về dự Đêm hội văn hóa - nghệ thuật tối 10-10. Mặc dù vậy, thành công của Đại lễ vẫn là cơ bản. Sự kiện đặc biệt này đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, các nội dung công việc sớm được triển khai thực hiện và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.
Trong phiên họp buổi chiều, nhiều đại biểu HĐND TP đã đánh giá cao báo cáo của UBND TP về tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị UBND TP làm rõ các chi phí và công khai cho người dân được biết xem lãng phí hay không lãng phí ở chỗ nào, tránh để "âm ỉ" những dư luận không tốt. Các đại biểu cũng yêu cầu UBND TP triển khai các biện pháp bảo trì, khai thác các công trình kỷ niệm Đại lễ và đặc biệt là phát huy tinh thần Đại lễ để làm xanh, sạch, đẹp hơn cho Thủ đô.
Đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 12%
Cuối giờ chiều hôm qua, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2011. Trong năm tới, Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn với 12%. Một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng được xác định ở mức cao như: tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn là 14%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 19-20%, thu ngân sách trên địa bàn tăng 5% so với dự toán Chính phủ giao.
HĐND TP cũng ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu tại hội trường để điều chỉnh Nghị quyết cho phù hợp. Trong đó, về phát triển nông thôn mới, TP sẽ triển khai tới tất cả 401 xã ngay trong năm 2011, nhưng chọn trước 18 xã để chỉ đạo và đầu tư tập trung. Mục tiêu của TP là đến năm 2015, tất cả các xã nông thôn đều đạt các tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Chính phủ, trong đó 40% số xã đạt 100% các tiêu chí.
Để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra, HĐND TP nhất trí thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cao hơn đi đôi với phát triển bền vững; bảo đảm tốt hơn an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đô thị, nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị; quan tâm cải thiện chất lượng môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh CCHC và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.