(HNM) - Trong năm 2015, một nhiệm vụ quan trọng của Thể thao Thủ đô là phấn đấu có nhiều VĐV vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic 31-2016. Cụ thể, theo Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú, Hà Nội phấn đấu có 10-12 VĐV được góp mặt tại
Cái khó không của riêng ai…
Các cuộc đấu vòng loại Olympic 2016 sẽ diễn ra trong năm 2015. Hiện tại, toàn ngành mới có 2 suất chính thức dự Olympic 2016, nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường. Ngoài nhóm 5 môn trọng điểm nhắm đích Olympic gồm điền kinh, TDDC, bơi, bắn súng, cử tạ, TTVN có thể có thêm đại diện của đua thuyền rowing - canoeing, cầu lông, kiếm, judo, takwondo - dù hy vọng rất mong manh.
Kể ra thế để thấy, số VĐV đến Thế vận hội 2016 của TTVN có khả năng chỉ vượt qua con số 10 và khó vượt qua con số 20. Vậy mà riêng Hà Nội đã đặt mục tiêu góp 10-12 VĐV dự Olympic. Thật khó! Đó là chưa kể, Hà Nội còn phấn đấu giành huy chương Olympic!
Trong buổi gặp mặt báo chí nhân dịp đón Xuân Ất Mùi mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã chia sẻ phần nào những khó khăn của TTVN trong hành trình tham dự Olympic. Ví như năm 2014, TTVN có 64 VĐV nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm, được hưởng chế độ bồi dưỡng 400.000 đồng/người/ngày và tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày. Đến năm 2015, chỉ còn 48 VĐV nằm trong danh sách này. Thêm nữa, với các nhà chuyên môn, ai cũng hiểu trong thể thao thành tích cao, mức đãi ngộ trên mang ý nghĩa động viên, khuyến khích là chủ yếu. Còn để vươn đến đỉnh Olympic, các "gà nòi" cần được đầu tư đặc biệt như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, với hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho ngành TDTT ở cấp Trung ương chỉ hơn 580 tỷ đồng, trong đó, khoảng 50 tỷ đồng dành cho công tác chuẩn bị tổ chức đăng cai Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5-2016 tại Việt Nam. Hơn 530 tỷ đồng chi cho cả phong trào quần chúng, hỗ trợ phát triển TDTT 63 tỉnh, thành, các ngành quân đội, công an, tổ chức hệ thống các giải vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia… thì quả là ít. Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phát huy nguồn vốn xã hội hóa, ngành TDTT phải gắn bó chặt chẽ với các địa phương trong việc huy động tối đa nguồn kinh phí đầu tư tập trung cho các VĐV. Trong đó, vai trò của các ngành quân đội, công an, sự hỗ trợ của các địa phương trọng điểm như TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, được đặt lên hàng đầu.
Nặng gánh chủ lực
Để đạt được mục tiêu có VĐV tham dự Olympic, trước tiên Hà Nội phải có nhiều VĐV lọt vào danh sách các đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu vòng loại Olympic. Ví như môn Thể dục dụng cụ, những Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành… đều là VĐV của Hà Nội - cũng là VĐV của đội tuyển TDDC nam quốc gia. Ở kỳ giải 2014, khi tham dự Giải TDDC vô địch thế giới, các VĐV Việt Nam đã lỡ cơ hội giành vé dự Olympic ở nội dung đồng đội. Trong năm 2015, ngoài việc thi đấu đạt kết quả cao ở SEA Games 28-Singapore, đích nhắm của đội tuyển TDDC là thi đấu thành công tại Giải vô địch thế giới ở các nội dung đơn môn thế mạnh như xà kép, nhảy chống. Ngoài ra, trong trường hợp các VĐV giành được huy chương đơn môn, đội tuyển TDDC Việt Nam sẽ có thêm cơ hội thi đấu thêm một giải vòng loại khác, mang tính chất tiền Olympic vào đầu năm 2016, tranh thêm vé dự các nội dung thi toàn năng ở Thế vận hội.
Ngoài TDDC, các môn chủ lực nhắm đích đến Olympic còn có bắn súng, đua thuyền rowing, kiếm, taekwondo, karate, judo và đặc biệt là điền kinh với gương mặt vừa giành HCB ASIAD 17-Incheon-2014 Bùi Thị Thu Thảo. Tuy nhiên, dự kiến là một chuyện, chuyển hóa tất cả thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nên, nói về chỉ tiêu 10-12 VĐV Hà Nội vượt qua vòng loại Olympic, một nhà quản lý uy tín của Thể thao Thủ đô cho biết: "Với thực tế hiện tại, điểm mặt từng gương mặt tên tuổi mãi chưa tới 10-12 VĐV".
Dẫu sao, mục tiêu đề ra là để phấn đấu, chứ không phải ép thực hiện bằng mọi giá. Điều quan trọng là khi đã xác định rõ mục tiêu, Thể thao Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục TDTT, cũng như huy động sự vào cuộc của các nhà tài trợ, liên đoàn, hiệp hội thể thao nhằm tập trung đầu tư cho các gương mặt trọng điểm, giúp họ không bị bỏ lỡ cơ hội tham dự các cuộc đấu vòng loại Olympic vì lý do thiếu kinh phí tham dự giải vòng loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.