(HNM) - Ngày 15-3, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch UBATGT QG Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2012 - Năm An toàn giao thông, TP đã đạt nhiều kết quả tích cực, cần tiếp tục phát huy.
Tai nạn giao thông giảm gần 50%, nhưng nguy cơ còn đó
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết, thực hiện Năm An toàn giao thông 2012, TP đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kiềm chế ùn tắc, tai nạn được xác định là một trong 6 chương trình trọng điểm của UBND TP. Nhờ đó, tai nạn giao thông 2 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể giảm 46,47% số vụ, 46,62% số người chết và 52,69% số người bị thương. Toàn thành phố chỉ xảy ra 1 vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, giảm 12 vụ so với cùng kỳ năm 2011. Tình hình trong hai tuần đầu của tháng 3 cũng hết sức khả quan và Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Phượng tin tưởng, trong quý I-2012, TP có thể giảm 50% tai nạn giao thông. Đây là con số rất đáng ghi nhận so với mục tiêu ban đầu.
Trong 2 tháng đầu năm 2012, số vụ ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2011. |
Kết quả thật đáng mừng, nhưng cũng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều nguy cơ lớn. Toàn thành phố hiện có gần 10 triệu dân và hơn 5,5 triệu phương tiện, trong đó có hơn 500 nghìn ô tô, trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Giám đốc Sở GTVT cho biết, năm 2011, TP đã nỗ lực xây dựng, mở rộng, cải tạo nhiều tuyến đường, nhưng diện tích đường chỉ tăng 0,3%, còn phương tiện giao thông đường bộ tăng tới 13% và đang có xu hướng tăng thêm. Cơ quan chức năng đã tăng cường lực lượng "xuống đường" nhiều hơn để phân luồng, điều tiết và xử lý vi phạm.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, phấn đấu duy trì "phong độ"
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành TƯ đều đánh giá cao nỗ lực, kết quả TP Hồ Chí Minh đã đạt được thời gian qua. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, kết quả đó thể hiện rõ TP đang đi đúng hướng. Bộ trưởng tin tưởng với thành tựu đạt được, TP hoàn toàn có thể phấn đấu duy trì "phong độ", nâng chỉ tiêu giảm hơn 30% số vụ tai nạn, ùn tắc trong năm 2012. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định, TP sẽ làm hết khả năng để giảm tối đa ùn tắc, tai nạn giao thông. TP đã đề ra 3 nhóm giải pháp lớn, thực hiện quyết liệt, gồm: Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn; đẩy lùi ùn tắc và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn, một loạt giải pháp cụ thể được xác định như: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tăng đất cho giao thông; tăng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm… Với nhóm giải pháp thứ hai, sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép sử dụng vỉa hè, lòng đường những nơi không phù hợp; đẩy nhanh dự án trọng điểm; cải tạo nút thắt cổ chai, làm cầu lắp ghép; phát triển giao thông tĩnh; di dời cơ quan, công sở khỏi nội đô… UBND TP kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng để có sức răn đe; sửa đổi Nghị định 13/2008/NĐ-CP, tránh tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa Sở GTVT và Sở Xây dựng. UBND TP cũng kiến nghị cho phép tịch thu phương tiện với hành vi đua xe trái phép. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ưu tiên các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là chương trình chống ngập úng…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh và giao các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết. Theo Phó Thủ tướng, dù đã giảm, nhưng số người chết do tai nạn giao thông còn cao, tình trạng đua xe chưa được xử lý dứt điểm… TP Hồ Chí Minh có những sáng kiến, giải pháp hay, cần tổng hợp, nhân rộng. Chính phủ ủng hộ việc tăng chế tài xử phạt để có tính răn đe, đồng ý giao UBND cấp tỉnh chỉ định thầu với những công trình cấp bách. Trên cơ sở kết quả đạt được, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy, đi đầu cả nước trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng việc thực hiện quyết liệt hơn những giải pháp đã đề ra. Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh phải nghiên cứu điều chỉnh giờ học, làm việc theo khu vực, liên khu vực để giảm ùn tắc, bởi Hà Nội đã làm rất hiệu quả. Bên cạnh đó, TP cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thu hút đầu tư xã hội hóa, phát triển giao thông tĩnh, phát triển giao thông công cộng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.