(HNMO) - Ngày 15-6, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo “Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 10,1%/năm, riêng năm 2019, lượng khách đến Hà Nội đạt trên 28,9 triệu lượt khách (bằng 28% lượng khách trong cả nước), trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, đến năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch năm 2020 đều sụt giảm mạnh. Năm 2021, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, còn 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020).
Trước yêu cầu nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của giai đoạn 2022-2025, với dự thảo đề ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện. Trong đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế.
Các giải pháp trọng tâm được đưa ra, đó là: Tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Tại hội nghị, đóng góp vào Dự thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với mục tiêu và các nhóm giải pháp mà Hà Nội đề ra, đồng thời bổ sung một số ý kiến.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội cần đẩy mạnh thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, điển hình như mô hình phố đi bộ Sơn Tây. Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Hà Nội cần phát triển thêm các trung tâm mua sắm, khu vui chơi chất lượng cao, đồng thời tổ chức kết nối các tuyến điểm du lịch nội thành và ngoại thành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch nhất trí cao những mục tiêu và giải pháp phục hồi phát triển du lịch được nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
“Để đạt được các mục tiêu, ngành Du lịch Thủ đô phải rất nỗ lực trong việc thực hiện hợp tác công - tư, xây dựng sản phẩm, quảng bá tuyên truyền điểm đến, tăng cường tổ chức xúc tiến và liên kết du lịch giữa Hà Nội và các địa phương khác”, ông Hà Văn Siêu góp ý.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đăng Hương Giang, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, dự kiến phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế đạt 50% của năm 2019. Sở sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu, bổ sung vào bản dự thảo để trình lên thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.