Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 3% vốn chủ sở hữu

Thanh Mai| 26/06/2015 19:59

(HNMO) - Ngày 26-6, tại Hà Nội, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ hai, nhiệm kỳ 2015 – 2020.




Đại hội Đảng bộ lần thứ II có ý nghĩa rất quan trọng, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2010 - 2015 và định hướng cho toàn Đảng bộ, Tổng công ty trong 5 năm tới: “Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động; xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ nhất, Đảng ủy đã ban hành Chương trình công tác toàn khóa, xác định các nội dung cần tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề nhằm lãnh đạo có trọng điểm trong toàn Đảng bộ: Nâng cao chất lượng quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện; Nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu; Chiến lược phát triển bền vững của Tổng công ty; Tăng cường lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lựa chọn, xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề trong đầu tư xây dựng để đảm bảo tiến độ xây dựng một số dự án trọng điểm, cấp bách; 2 nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý vận hành (giảm sự cố và tăng cường quản lý tổn thất điện năng); Nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự hàng năm.

Đồng thời, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, Chính phủ và Tập đoàn, nhằm thực hiện chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ theo đúng chương trình đề ra. Hàng năm, Ban Chấp hành đều tổ chức hội nghị mở rộng nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện các mặt hoạt động, nêu rõ các hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân, từ đó ban hành nghị quyết, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các năm tiếp theo.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết, EVN NPT đã thực hiện đầu tư các công trình lưới điện truyền tải với khối lượng đầu tư lớn, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống; đã kết nối khép kín mạch vòng 500 kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam. Đặc biệt, lưới điện 500 kV được phát triển mạnh, qua đó đã góp phần nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện của hệ thống truyền tải điện như: Mạch vòng 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La ở khu vực miền Bắc, mạch vòng Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm ở khu vực miền Nam. Hoàn thành liên kết lưới điện miền Tây với miền Đông Nam bộ qua đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn và Phú Lâm - Ô Môn. Hoàn thành đưa vào vận hành nhiều công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện như: Nâng dung lượng tụ bù dọc toàn tuyến 500 kV Bắc Nam từ 1000 A lên 2000 A, đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông,.. qua đó đã đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, đặc biệt là đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam.

Lưới điện 220 kV đã được tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án phục vụ cung cấp điện cho Hà Nội như các trạm biến áp 220 kV: Vân Trì, Thành Công; các đường dây 220 kV: Vân Trì - Sóc Sơn, Vân Trì - Chèm, Hà Đông - Thành Công; đã hoàn thành xây mới, nâng công suất các trạm biến áp 220 kV đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp điện cho phát triển phụ tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương trên toàn quốc. Tất cả các công trình lưới điện đấu nối với các nguồn điện đã đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, qua đó phát huy tối đa hiệu quả vận hành của các nhà máy điện, như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Quảng Ninh, Mông Dương, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn…

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã xác định mục tiêu: “Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng”. Cùng với định hướng phát triển hạ tầng cung cấp điện: “… Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ, phù hợp với tiến độ vận hành các nhà máy điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối; kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực. Thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ EVN NPT đề ra phương hướng với nhiệm vụ: Đảm bảo truyền tải điện với mức tăng trưởng bình quân 10,5 - 11%/năm, tương ứng sản lượng điện truyền tải đến năm 2020 dự kiến đạt 225 - 230 tỷ kWh; phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 2% vào năm 2020; giảm sự cố, hạn chế tối đa sự cố chủ quan, hàng năm giảm suất sự cố từ 3 - 5% so với năm trước; đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), kế hoạch đầu tư 5 năm và hàng năm được Bộ Công Thương và Tập đoàn phê duyệt với tổng số khoảng 280 dự án, giá trị đầu tư từ 80 - 90 nghìn tỷ đồng; huy động đủ vốn cho đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2015 - 2020. Sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, năm sau cao hơn năm trước, phấn đấu đến năm 2020, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 3% vốn chủ sở hữu; phấn đấu tới năm 2020 đạt mức sản lượng điện truyền tải bình quân một cán bộ công nhân viên là 25 triệu kWh; năng suất lao động tăng bình quân hàng năm từ 5 - 7% và hoàn thành đầu tư xây dựng các trung tâm điều khiển xa và từng bước thực hiện chế độ vận hành trạm biến áp không người trực./


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 3% vốn chủ sở hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.