(HNM) - Những sự điều chỉnh đáp án chấm hay tranh luận về đề thi năm nào cũng xảy ra sau mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Có những việc tìm được phương án làm vừa lòng các bên, nhưng cũng có nội dung gây tranh luận không hồi kết.
>> Tra cứu điểm thi ĐH-CĐ năm 2010 trên HNMO
Dẫu không ai muốn nhưng rõ ràng điều đó đã làm đau đầu người tổ chức, gây lo lắng cho người dự thi. Các chuyên gia về giáo dục cho rằng, ra đề thi, dù ở cấp nào, cũng luôn là điều không đơn giản. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu hệ lụy của những sai sót hoặc sự thiếu chuẩn mực trong đề thi bằng cách phân cấp kỳ thi tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. Nên hay không nên tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng này?
Hướng dẫn nội quy phòng thi cho các thí sinh tại Hội đồng thi Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Ra đề - "làm dâu trăm họ"
Đề thi ĐH, CĐ được coi là "bí mật quốc gia". Chỉ riêng quy định này cho thấy tầm quan trọng của nó, nhất là trong điều kiện đề thi được dùng chung cho kỳ tuyển sinh diễn ra trên phạm vi toàn quốc với hàng triệu thí sinh dự tuyển vào hàng trăm cơ sở đào tạo. Để có giá trị như một "bí mật quốc gia" thì không chỉ khâu bảo mật phải tuyệt đối an toàn mà nội dung của nó phải bảo đảm các yêu cầu đối với một kỳ thi tuyển sinh: Không sai sót (dù chỉ là lỗi văn bản); phân hóa được học sinh để người trúng tuyển là người xứng đáng và có khả năng học ở bậc học cao hơn; không quá khó để học sinh không được luyện thi cũng làm được bài. Nhưng với điều kiện hiện nay của nước ta, khi nhu cầu học ĐH, CĐ lớn, khả năng đáp ứng của các trường còn hạn chế, thi vào ĐH, CĐ là cuộc cạnh tranh gay gắt thì sự đòi hỏi của người dự thi, của xã hội đối với đề thi rất cao và đa dạng.
Có một thực tế là, dư luận xã hội cũng luôn tạo ra sự định hướng đòi hỏi người ra đề phải "làm dâu trăm họ". Ra đề dễ quá, thí sinh làm bài thi phấn khởi, nhưng điểm thi cao đến mức 27 điểm vẫn trượt ĐH sẽ bị phê phán như đã từng xảy ra. Ra đề khó quá, phổ điểm không đẹp và lập tức sẽ có dư luận cho rằng chất lượng giáo dục thấp đến mức 10 điểm đã đỗ ĐH, mặc dù điểm cao hay thấp vẫn chính là những học sinh đó, với khả năng như thế mà thôi. Bởi thế, ra đề thế nào cho đạt được mọi yêu cầu là việc rất khó và giáo viên hiện nay rất ngại ngần khi được Bộ GD-ĐT mời vào ban đề. Ban đề thi cũng không dễ tìm được những thầy cô giáo hội đủ mọi tố chất để xây dựng được một đề thi chuẩn xác và hay, nhất là trong điều kiện năm nào cũng phải có những gương mặt mới.
"Chung đề" - không còn vai trò lịch sử?
Gần mười năm trước, phương án tổ chức thi 3 chung (chung đợt, chung đề, chung kết quả) được Bộ GD-ĐT trình Chính phủ như là một bước khởi đầu của đề án đổi mới thi và tuyển sinh. Ở thời điểm đó và mấy năm sau, đây là một phương án khả thi và hạn chế được thấp nhất những nhược điểm của những cách tổ chức thi trước đó. Về đề thi, chất lượng được cải thiện đáng kể. Cũng nhờ thi theo đề chung nên tình trạng thi vào đâu phải luyện thi ở đó đã giảm hẳn. Các cơ sở đào tạo "trút" được "gánh nặng" làm đề thi cho Bộ GD-ĐT nói chung và Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nói riêng. Chi phí của việc tổ chức thi nhờ chung một đề cũng giảm đi.
Tuy nhiên, giải pháp "3 chung" chưa hẳn đã là phương án thi hoàn thiện, sau một số năm đã bộc lộ điểm yếu. Về đề thi, do chỉ có một đề sử dụng chung cho cả nước nên nếu có sai sót thì hậu quả rất lớn. Quy trình bảo mật cũng đòi hỏi công sức, tiền của lớn hơn. Thêm nữa, mỗi trường ĐH, CĐ có yêu cầu về "đầu vào" khác nhau, đề thi chung khó mà thỏa mãn được đầy đủ.
Những hạn chế trên có thể được khắc phục bằng việc phân cấp công tác tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo? Liệu rằng, khi để các trường tự tổ chức thi thì những hiện tượng tiêu cực của phương án thi này vốn đã được "3 chung" loại bỏ có quay trở lại? Đây là những câu hỏi cần được trả lời bằng việc rút kinh nghiệm và áp dụng thành công bài học của 9 năm làm "3 chung". Nhưng có thể thấy rằng, sau một thời gian chung đợt thi, chung đề thi và chung kết quả, các cơ sở đào tạo đã có sự phân hóa rõ ràng. Nhờ "sự xếp hạng" không chính thức này, trường nào cần tổ chức thi để chọn người tài, trường nào chỉ cần sử dụng kết quả thi tốt nghiệp hoặc kết quả thi của trường khác làm căn cứ tuyển sinh đã khá rõ. Nếu Bộ GD-ĐT xây dựng được một ngân hàng câu hỏi chuẩn để các trường dựa vào đó mà làm đề thi thì các nhà quản lý cũng sẽ không dại gì "mua dây buộc mình" khi có một cách tuyển sinh phù hợp với thực tiễn và điều kiện, khả năng của nhà trường. Điều cần chờ đợi là quyết sách của Bộ GD-ĐT để kết thúc lộ trình "đổi mới công tác thi tuyển sinh", trước kia đã được khẳng định là một kỳ thi sau trung học phổ thông với hai mục đích nhưng nay đã được thực tiễn chứng minh là thiếu khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.