Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp quản lý cho cơ sở: Phải rõ trách nhiệm!

An Trân| 18/01/2014 07:00

(HNM) - Thành phố phân cấp những gì cấp dưới có khả năng làm được, bảo đảm các điều kiện cần, đủ để cấp dưới có thể làm được và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; thành phố không làm thay những gì quận, huyện, thị xã có thể làm…


Việc phân cấp quản lý trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, sẽ góp phần giảm bớt tình trạng chồng chéo nhiệm vụ. Ảnh: Như Ý



Còn hiện tượng chồng chéo

Từ năm 2011, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện phân cấp một số lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực KT-XH giai đoạn 2011-2013 về cơ bản đến nay vẫn phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn đặc thù quản lý của Hà Nội. Đây là một chủ trương đúng, được thực hiện khá hiệu quả và là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đã nảy sinh một số bất cập, vướng mắc như: Việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho cấp huyện quá lớn; việc phê duyệt, công bố công khai danh mục công trình do thành phố quản lý và danh mục công trình phân cấp cho cấp huyện quản lý còn chậm, chưa kịp thời. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong phân cấp quản lý. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong quản lý đô thị hiện nay. Đơn cử trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngành giao thông hiện chỉ quản lý mặt đường, trong khi đó dưới lòng đường là một loạt hệ thống hạ tầng kỹ thuật được "chia" cho nhiều chủ thể khác nhau như Sở Xây dựng, điện lực, viễn thông, cấp thoát nước... Nhiều chủ thể cùng quản lý dẫn đến việc cấp phép hoặc xin ý kiến phải qua nhiều ngành, nhiều bước hoặc khi có hỏng hóc xảy ra, việc duy tu, sửa chữa gặp khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Trong lĩnh vực y tế, cấp huyện đang được phân cấp quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trung tâm y tế, nhưng thực tế 3 năm qua việc phân cấp trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được thực hiện và UBND TP Hà Nội đã có quyết định tạm ngừng việc bàn giao y tế cơ sở về cấp huyện.

Tạo chủ động cho cơ sở

Kế thừa những kết quả đạt được trong việc thực hiện phân cấp quản lý giai đoạn 2011-2013 và yêu cầu thực tiễn quản lý của thành phố, tại Tờ trình về việc ban hành Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2015, các cơ quan tham mưu đã đề xuất sửa đổi, thay thế, bổ sung 15 nội dung.

Phân cấp quản lý trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn.
Ảnh: NHư Ý



Trên nguyên tắc không phân cấp những lĩnh vực cơ sở không làm được, để tránh cho các địa phương "mặc chiếc áo quá rộng" đặc biệt trong 3 lĩnh vực đê điều, thủy lợi và rừng, tại Tờ trình thành phố sẽ quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; cấp huyện quản lý rừng sản xuất. Thành phố sẽ quản lý về quy hoạch, kỹ thuật toàn bộ hệ thống đê điều... Đáng chú ý, trong lĩnh vực quản lý đường bộ, thành phố sẽ quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc, đường tỉnh, đường đô thị từ cấp khu vực trở lên. Thành phố cũng sẽ thống nhất quản lý cả đường và hè đường của một số tuyến giao thông quan trọng, các tuyến vành đai, các trục hướng tâm để phục vụ công tác tổ chức, điều hành và chống ùn tắc giao thông. Đồng thời thống nhất quản lý công tác tổ chức giao thông, điều khiển giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn thành phố, trạm kiểm tra trọng tải xe. Thành phố phân cấp cho UBND các quận và thị xã Sơn Tây quản lý, bảo trì các đường ngõ, ngách và đường đô thị cấp nội bộ; UBND các huyện quản lý, bảo trì các đường đô thị còn lại và hè đường trên địa bàn...

Tại hội nghị, ngoài một số nội dung đề nghị bổ sung trong phân cấp quản lý hệ thống y tế cơ sở, lễ hội, đê điều về cơ bản các ý kiến thống nhất với 15 điểm sửa đổi, bổ sung tại Tờ trình. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, việc phân cấp quản lý thời gian qua đã giúp tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, qua đó góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn của các địa phương. Trực tiếp cho ý kiến vào các lĩnh vực quản lý rừng phòng hộ, hệ thống bơm tiêu và đê điều, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng công tác quy hoạch, quản lý đê điều hiện nay còn nhiều bất cập. Lưu ý việc phân cấp cần bám sát thực tiễn, Chủ tịch UBND TP dẫn chứng, đê sông Nhuệ có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể xếp vào loại đê cấp 5 và phân cấp cho huyện quản lý mà cần giao về thành phố. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, các cơ quan tham mưu sớm hoàn thiện Tờ trình. Trong đó, cần bám sát nguyên tắc phân cấp những gì cấp dưới có khả năng làm được, bảo đảm các điều kiện cần và đủ để cấp dưới có thể làm được và thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân nhiệm cần rõ ràng để khi có vấn đề gì xảy ra, có thể biết rõ trách nhiệm đó thuộc của ai, không nên chỉ có người làm chịu trách nhiệm trực tiếp và tránh tình trạng đã phân cấp nhưng địa phương vẫn phải lên sở, ngành xin ý kiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp quản lý cho cơ sở: Phải rõ trách nhiệm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.