(HNM) - Không phủ nhận nhiều dự án đầu tư hiện nay đang rất cần đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhưng đang có tình trạng các địa phương cứ lập dự án, sử dụng nguồn vốn này quá "thoáng", còn TƯ là cơ quan đi vay thì phải lo trả lãi suất. Đó là đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi rà soát việc sử dụng TPCP ở không ít bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015.
Dự kiến giai đoạn 2012-2015 sẽ có hơn 800 dự án giao thông được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Đặng Loan |
Buông lỏng giám sát
Để đi tới nhận định này, thời gian qua, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã làm việc với các bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Công an; Quốc phòng và các tỉnh Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Nguyên về việc sử dụng TPCP giai đoạn 2011-2015. Đoàn cũng đã khảo sát thực địa dự án giao thông trục chính nối thị xã Phú Thọ với quốc lộ 2; đường 39 B Thanh Nê - Diêm Điền (Thái Bình); Bệnh viện 700 giường ở Long An; tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc (Hà Nam). Qua hoạt động giám sát thấy nổi lên vấn đề, Chính phủ không rà soát kỹ để loại bỏ các công trình, dự án không nằm trong danh mục Nghị quyết 12 của Quốc hội; chưa làm rõ các công trình, dự án không đưa vào chương trình TPCP và phương án xử lý hậu quả sau cắt, giảm nên chưa phân rõ trách nhiệm của cơ quan sử dụng vốn nhà nước. Việc bố trí vốn cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31-12-2011 và các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 còn thiếu kiểm soát, có tính bình quân xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt; không bám sát kế hoạch vốn được nhận hằng năm để phân kỳ đầu tư, gây ra nợ khối lượng xây dựng cơ bản lớn, tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước. Có dự án có tên trong danh mục lại không được bố trí vốn. Năm 2011, UBTVQH chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục. Song đã có tới 333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP.
Cầu luôn vượt cung
Theo quy định hiện hành, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011- 2015 là 225 nghìn tỷ đồng, đã bố trí vốn năm 2011 là 45 nghìn tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2012-2015 còn lại là 180 nghìn tỷ đồng, kế hoạch năm 2012 là 45 nghìn tỷ đồng. Qua tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2 lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng... mà còn điều chỉnh cả về thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án. Lại có những dự án vừa thi công, vừa đấu thầu, vừa điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì thế, tiền TƯ rót về chỉ đáp ứng được 47,1% nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đề nghị.
Trong đó, giao thông được đáp ứng 49,7% so với nhu cầu, thủy lợi 37%, y tế 43,8%. Các chương trình kiên cố hóa trường học và y tế cấp huyện được bố trí đủ số vốn còn thiếu nhưng so với nhu cầu địa phương thì còn thiếu rất nhiều (chương trình bệnh viện tuyến huyện chỉ đáp ứng 24,9%, chương trình kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên chỉ bằng 11,7% nhu cầu các địa phương đề nghị). Để hoàn thành các dự án giai đoạn 2012- 2015, các bộ, ngành, địa phương đề nghị được đầu tư vốn TPCP là 381,8 nghìn tỷ đồng. Nếu tính thêm yếu tố trượt giá trong 4 năm tới thì tổng nhu cầu là hơn 500 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 2,8 lần so với khả năng cân đối vốn TPCP giai đoạn 2012-2015.
Do tính cấp thiết, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị được bố trí vốn cho một số dự án có trong Quyết định số 171/QĐ-TTg, nhưng không thuộc danh mục Nghị quyết số 881/2010/UBTVQH12; một số dự án mới chưa có trong danh mục dự án sử dụng vốn TPCP.
Bệnh viện Ung thư TP Đà Nẵng là một trong những công trình cấp thiết mà Chính phủ đề nghị bổ sung thêm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.