Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phản biện để tạo sự đồng thuận

Thế Phương| 13/12/2012 05:39

(HNM) - Tại hội nghị "Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội" vừa được tổ chức, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết: "Bộ Chính trị đang xem xét quyết định quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".

Theo quy chế dự thảo, Mặt trận sẽ là cầu nối, chuyển ý kiến của người dân tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời giám sát, phản biện cũng như chuyển phản hồi của các cơ quan thẩm quyền đến người dân…

Cũng tại hội nghị này, nhiều vấn đề liên quan đến công tác giám sát và phản biện xã hội đã được đưa ra. Có ý kiến cho rằng: Muốn đạt được sự đồng thuận thì phải có đối thoại, tranh luận trong xã hội; người làm lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến phản biện từ nhân sĩ, trí thức, từ người dân… Phản biện không phải là phản đối, phản bác quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách mà là đưa ra những cách hiểu đúng, những giải pháp hiệu quả mang tính thuyết phục. Phản biện xã hội là một phương thức thực thi dân chủ để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến, thảo luận, kiến nghị những nội dung, giải pháp vào những dự thảo văn bản, nghị quyết, chính sách, pháp luật, quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Những vấn đề về chủ trương, chính sách liên quan đến cuộc sống đến sự phát triển của đất nước, của xã hội đều cần có sự phản biện xã hội. Song, để cho hoạt động phản biện không trở thành những cuộc tranh cãi "chẳng đi tới đâu", bên cạnh việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đúng tầm để thực hiện phản biện xã hội có chất lượng và giám sát có hiệu lực, thì việc tạo dựng văn hóa phản biện là hết sức cần thiết. Văn hóa phản biện không chỉ thể hiện ở hàm lượng tri thức và "nghệ thuật" trong hoạt động phản biện, mà còn ở sự chân thành lắng nghe, nghiêm túc tiếp nhận và thật lòng muốn vận dụng trong thực tiễn. Thêm nữa, những kiến nghị về một chủ trương chính sách hay về một dự án kinh tế đều cần được xem xét và có sự phản hồi, coi đó là một động lực khuyến khích các ý kiến phản biện...

Một điều quan trọng, dù phản biện xã hội hay phản biện khoa học, tiếng nói phản biện của Mặt trận phải được pháp luật thừa nhận và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét. Đồng thời cần có những quy định chặt chẽ bảo đảm cho việc phản biện xã hội đạt hiệu quả thực tế. Không mang tính chất thẩm định để đi tới quyết sách cuối cùng, nhưng những ý kiến phản biện của Mặt trận phải được các cấp thẩm quyền xem xét một cách nghiêm túc, thẩm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định một vấn đề quan trọng.

Đảng ta luôn đề cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác tham mưu xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là vai trò giám sát, phản biện xã hội. Thực tế, giám sát và phản biện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận nhiều năm qua và đã đem lại hiệu quả nhất định trong đời sống xã hội. Để hoạt động phản biện, giám sát trở nên thiết thực hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, cần phải làm rõ cơ chế và những quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận các cấp trong vai trò này.

Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được ban hành sẽ là một "điểm tựa" pháp lý quan trọng. Nhưng để tiếng nói giám sát, phản biện của Mặt trận có hiệu quả, có giá trị thực sự trong đời sống, còn không ít việc phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phản biện để tạo sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.