(HNM) - Ở một số địa phương, dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra trong đề án xây dựng NTM của xã đã 3-4 năm nhưng đến nay vẫn
Tuy nhiên, việc cân đối giữa đầu tư hạ tầng và đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân vẫn chưa cân xứng. Ở một số địa phương, dự án chuyển đổi sản xuất được đặt ra trong đề án xây dựng NTM của xã đã 3-4 năm nhưng đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ"...
Một phần diện tích thuộc dự án hoa ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ) không sản xuất, để cỏ mọc um tùm. |
Chậm triển khai dự án
Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là một trong những mô hình điểm xây dựng NTM của trung ương. Đến thời điểm hiện tại, Thụy Hương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đời sống của người dân đã có nhiều cải thiện, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm… Tuy vậy, mức thu nhập này vẫn đang thấp hơn bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn thành phố (23,7 triệu đồng). Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Đức Học lý giải, thu nhập của người dân thấp do nguồn thu chính chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp trong khi những đột phá mới trong nông nghiệp lại chưa nhiều. Tìm hiểu được biết, năm 2009, khi được chọn là xã điểm triển khai xây dựng NTM, Thụy Hương đã xác định chiến lược phát triển kinh tế là triển khai 5 đề án phát triển sản xuất gồm: hoa cây cảnh (diện tích 16ha), rau an toàn (79,9ha), cây ăn quả (gần 17ha), chăn nuôi xa khu dân cư (16ha), cụm tiểu thủ công nghiệp (10ha). Tuy nhiên, đến nay đề án chăn nuôi xa khu dân cư và cụm tiểu thủ công nghiệp vẫn chưa triển khai được. Xã điểm NTM của thành phố Hà Nội là Song Phượng, huyện Đan Phượng cũng trong tình trạng tương tự. Theo đề án xây dựng NTM, xã quy hoạch hơn 31ha trồng rau an toàn nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Quy hoạch 10ha làng nghề để phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng giậm chân tại chỗ do thiếu những cơ chế chính sách cần thiết để thực hiện. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu ngành nghề trên địa bàn xã chưa có chuyển biến đáng kể, người dân chủ yếu vẫn làm nghề nông.
Tư tưởng ngại khó?
Những khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ở Thụy Hương hay Song Phượng cũng là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương khác của thành phố khi triển khai chương trình này. Theo báo cáo của BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ở các xã xây dựng NTM hiện vẫn còn chậm và chưa vững chắc.
Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Mạc Đình Được cho biết, người dân xã Thụy Hương có truyền thống sản xuất đồ mộc dân dụng, dựng nhà và sản xuất hàng mây tre giang đan…, trong đó, thôn Phúc Cầu, nghề mộc thu hút 70% số hộ vào sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều đặt xưởng sản xuất ngay tại nhà, trong khu dân cư vừa chật chội vừa gây ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Khi xây dựng đề án NTM, chính quyền đã quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp để tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên sau 4 năm triển khai, dự án này vẫn chưa thực hiện được do chưa giải phóng được mặt bằng. "Khu quy hoạch để làm cụm tiểu thủ công nghiệp vốn là diện tích đất nông nghiệp được chia cho các xã viên làm đám mạ nên chỉ với 10ha nhưng liên quan đến hơn 400 hộ dân của 3 thôn Trung Tiến, Phúc Cầu và Phú Bến. Một số hộ chưa đồng tình nên chưa triển khai được" - ông Được cho biết.
Đối với dự án chăn nuôi xa khu dân cư, xã đã tiến hành họp các hộ có ruộng, cho các hộ có nhu cầu đăng ký. Kết quả đã có 40 đơn đề nghị vào khu chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi họp dân, một số ý kiến chưa đồng thuận về phương án cho thuê ruộng với giá 250kg thóc/sào/năm nên từ đầu năm 2012 đến nay, dự án dừng lại, chưa triển khai được gì thêm. Tại xã Song Phượng, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Đức cho biết, dự án rau an toàn ở xã đang rất nhùng nhằng, đến nay phía đơn vị được thành phố giao thực hiện dự án mặc dù đã có thỏa thuận thuê đất của người dân trong 5 năm để đầu tư phát triển sản xuất nhưng đến nay sau 3 năm thuê đất đã thông báo sẽ không thuê nữa. Đối với dự án 10ha làng nghề, để giải phóng mặt bằng sẽ cần một lượng kinh phí ước khoảng 100 tỷ đồng trong khi ngân sách địa phương còn eo hẹp nên cũng chưa thể làm ngay…
Rõ ràng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, việc các dự án chậm triển khai còn có nguyên nhân từ sự vào cuộc còn thiếu quyết liệt, ngại việc khó, ngại va chạm của các cấp chính quyền địa phương, gây ra nhiều thiệt thòi cho người dân. Thành phố cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng xem xét, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về tổ chức sản xuất, hỗ trợ về cơ chế, chính sách... để các dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi. Có phát triển đồng đều cơ sở hạ tầng và đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội thì việc xây dựng NTM đạt hiệu quả bền vững, toàn diện cả về chất và lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.