(HNM) - Không thể chấp nhận việc khu vực thi công lại không bảo đảm các điều kiện an toàn cho người lao động, không cảnh báo, cho phép người dân cùng sử dụng khu vực đang thi công.
- Theo các nhân chứng, khi công nhân vận chuyển thép xây dựng lên cao để thi công thì nhiều thanh sắt đã rơi xuống dòng người đang di chuyển phía dưới và hậu quả đã xảy ra. Ý kiến của ông về vụ việc này như thế nào?
- Tai nạn luôn xảy ra bất ngờ nên nguyên tắc đầu tiên trước khi thi công là phải đánh giá toàn diện các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra; đề ra các giải pháp phòng ngừa trong các điều kiện khác nhau; thiết lập khu vực công trường riêng biệt, có niêm yết cảnh báo để người dân phòng tránh tai nạn có thể xảy ra. Người lao động làm việc trên cao phải được phòng tránh, bảo hộ trong trường hợp sập giàn giáo, ngã… Trong quá trình thi công, việc giám sát, kiểm tra an toàn lao động phải được thực hiện thường xuyên. Trong trường hợp này, người dân tham gia giao thông trong phạm vi khu vực thi công; không có phương tiện phòng hộ, phòng tránh tai nạn khi người lao động sơ suất.
- Đây có phải là tình trạng phổ biến trong thi công các công trình không, thưa ông?
- Đây là lỗi không chỉ riêng ở khu vực công trường thi công Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông mà còn có nguy cơ xảy ra ở rất nhiều công trình thi công nhà cao tầng. Tại nhiều công trình, việc che chắn khu vực thi công được làm cẩu thả, không bảo đảm an toàn. Việc đánh giá toàn diện các nguy cơ tai nạn có thể xảy ra và đề ra các giải pháp phòng ngừa trong các điều kiện khác nhau chưa được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc. Người lao động và người sử dụng lao động đã không lường trước và phòng tránh các khả năng có thể xảy ra tai nạn. Đây là nguyên nhân đã gây ra nhiều tai nạn như sập cần cẩu, sập giàn giáo, rơi vật liệu… gây thương vong cho người lao động và người dân sống ở vùng lân cận.
- Theo ông, làm thế nào để bảo đảm an toàn lao động, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra?
- Để bảo đảm an toàn lao động cần tiến hành nhiều biện pháp, đặc biệt là cần phải học tập kinh nghiệm của người Nhật Bản: "Hãy ngồi lại xem thử có thể sẽ xảy ra tai nạn như thế nào?", từ đó đề ra biện pháp phòng ngừa. Đây là nguyên tắc số một tại các công trường, khu vực sản xuất, thi công trên thế giới, đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động tuân thủ nghiêm túc. Việc này không tốn nhiều thời gian, nhưng góp phần tiết kiệm tài sản, bảo đảm tính mạng và sức khỏe người lao động.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.