(HNM) - Mấy ngày gần đây, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã công bố số học sinh đăng ký các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, và một kết quả đáng buồn, tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn lịch sử thấp nhất so với các môn khác. Có trường hơn 100 học sinh lớp 12 nhưng duy nhất 1 học sinh đăng ký. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng rất đáng phải suy nghĩ này?
Từ nhiều năm nay, điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi tuyển sinh đại học và những năm thi tốt nghiệp THPT có môn lịch sử nhìn chung rất thấp so với các môn khác. Số học sinh đạt điểm dưới 5 chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí không ít học sinh bị điểm 0. Lý giải thực trạng này và tỷ lệ học sinh chọn thi môn lịch sử thấp, một số nhà sử học, hiệu trưởng trường tư thục và học sinh đều cho rằng: Sách giáo khoa cứng nhắc, cách dạy khô khan khiến học sinh khó tiếp thu, không hứng thú với môn học này. Lịch sử được xem là môn học khó vì nhiều diễn trình, sự kiện lịch sử, bài học rút ra, trong đó riêng việc nhớ chính xác ngày tháng năm diễn ra sự kiện cũng đủ nhức đầu. Thêm nữa lịch sử nước ta có tới mấy nghìn năm, lại chủ yếu gắn với những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm nên càng khó. Nếu học các môn tự nhiên nhiều khi chỉ cần trí thông minh nhưng học sử nếu không chăm chỉ, chắc chắn sẽ bị điểm kém. Phải thừa nhận việc biên soạn sách giáo khoa lịch sử cần phải được xem lại, nhưng rõ ràng khó học lịch sử không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên. Nguyên nhân chính theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử xuất phát từ quan niệm sai lệch trong giáo dục. Lâu nay quan niệm học để lấy bằng, đã trùm lên quan niệm của nhiều người. Bằng mọi giá phải có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, để có chứng chỉ đầu tiên mở cánh cửa vào đời. Thay vì trọng kiến thức, chúng ta lại quá coi trọng bằng cấp, trong khi đó lịch sử là môn có mục tiêu là dạy học sinh làm người, lại không bị bắt buộc năm nào cũng phải thi như toán hay văn thì học sinh lười biếng hơn cũng là điều dễ hiểu. Trước sức ép của kỳ thi đại học, chẳng riêng học sinh Hà Nội, tỷ lệ học sinh hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước chọn môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn cũng rất thấp.
Lịch sử là môn học có vị trí đặc biệt đối với ngành giáo dục và đời sống của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, nó là điểm tựa để dân tộc đó, đất nước đó tồn tại và phát triển. Có thể thấy rõ tương lai môn học này tiếp tục ít được học sinh lựa chọn khi thi cử và điểm số cũng sẽ vẫn thấp. Và cách duy nhất để cải thiện thực trạng đáng buồn này là phải thay đổi quan niệm về bằng cấp và coi trọng hơn việc dạy môn lịch sử trong giáo dục phổ thông theo hướng coi đó là bộ phận cấu thành nhân cách con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.