(HNM) - Với số người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tăng 211% trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ số người mắc bệnh tăng nhanh nhất.
- Sự gia tăng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam có nằm trong xu hướng chung của thế giới không, thưa bà?
- Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội ĐTĐ thế giới IDF Diabetes Atlas, năm 2013 ghi nhận hơn 382 triệu người mắc bệnh và con số này sẽ tăng lên đến 592 triệu người vào năm 2035. Tại Việt Nam, trong những năm 1990, tỷ lệ người mắc bệnh này ở nhóm dân số trong độ tuổi từ 20-79 tuổi là 1,2%. Tỷ lệ này tăng lên 5,3% trong năm 2012 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2013. Sự gia tăng này nằm trong xu hướng chung, song đáng lo ngại là với tốc độ tăng như trên, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ người mắc bệnh ĐTĐ tăng nhanh nhất. Trong năm 2013, Việt Nam dự báo có 3,3 triệu người mắc bệnh nhưng các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trên thực tế cao hơn với khoảng gần 5 triệu người mắc.
Chăm sóc người mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh: Hải Anh |
- Theo bà, đâu là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người Việt mắc bệnh ĐTĐ tăng một cách nhanh chóng như vậy?
- Sự gia tăng nhanh chóng về tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ chủ yếu là do sự thay đổi trong lối sống hiện nay. Ngoài ra, việc coi nhẹ hoạt động thể chất, áp dụng chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tâm lý căng thẳng cùng hiện tượng suy thoái môi trường nghiêm trọng cũng là những nguyên nhân gây ra sự gia tăng của bệnh ĐTĐ.
Một trong những nguyên nhân khác là tình trạng nhiều người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các phương pháp chăm sóc, điều trị bệnh thích hợp và kịp thời. Vì thế, hơn 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán; 6/10 bệnh nhân bị biến chứng tại thời điểm chẩn đoán và đa số không đạt mục tiêu điều trị.
- Trong khi số người mắc bệnh ngày càng gia tăng thì khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị của hệ thống y tế chưa tương xứng. Liệu chúng ta có giải pháp nào để giải quyết mâu thuẫn này không, thưa bà?
Việc nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh ĐTĐ phải được ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề quá lớn và không một công ty, tổ chức hay chính phủ nào có thể tự mình giải quyết do những hạn chế về nguồn lực. Mối quan hệ hợp tác công - tư chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để có thể đối phó với tình trạng mắc ĐTĐ đang không ngừng tăng lên tại Việt Nam.
Chương trình Chăm sóc ĐTĐ Việt Nam do Novo Nordisk (tập đoàn dược phẩm hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc ĐTĐ đến từ Đan Mạch), hợp tác với Bộ Y tế, Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam và các bệnh viện lớn thực hiện là một trong những chương trình hợp tác công - tư điển hình về tính hiệu quả của giải pháp này. Các đơn vị tham gia chương trình sẽ cùng nhau tập trung thực hiện 5 mục tiêu: Nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh ĐTĐ; tăng cường đào tạo về bệnh ĐTĐ cho bác sĩ và nhân viên y tế; thu thập dữ liệu về tình trạng bệnh ĐTĐ và việc chăm sóc người bệnh; cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh nói chung, ở trẻ em và phụ nữ có thai bị ĐTĐ nói riêng Tôi tin rằng, với những chương trình như thế này, sự gia tăng số lượng người mắc bệnh cũng như số bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm sẽ được hạn chế.
Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.