(HNM) - Đường bộ cao tốc đã và đang trở nên quen thuộc với người tham gia giao thông khi những tuyến đầu tiên được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, hai tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Đại lộ Thăng Long đã phát sinh một số hiện tượng đáng lo ngại. Sau chuyện lún, nứt, mặt đường không phẳng… là hiện tượng nổ lốp khi xe đang lưu thông.
Xe nổ lốp do đường hay chất lượng phương tiện?
Một đoạn Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Viết Thành
Từ khi chính thức đưa vào khai thác từ ngày 3-2-2010 đến nay, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương đã phát huy hiệu quả, rút ngắn thời gian đi lại trong khu vực. Thống kê cho biết, mỗi ngày có hơn 60 nghìn lượt xe lưu hành trên tuyến. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là từ đó đến nay đã xảy ra hàng nghìn vụ nổ lốp ô tô khi xe đang chạy với tốc độ cao, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ xe tải nổ lốp đâm vào xe chở khách 16 chỗ vào ngày 13-6 khiến 8 người tử vong. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn trên các tuyến cao tốc. Cánh lái xe lý giải nguyên nhân chính khiến xe nổ lốp là do lớp tạo nhám trên đường cao tốc này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cầu đường, đó là ngụy biện. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được thảm nhám bằng công nghệ novachip hiện đại của Mỹ. Công nghệ này đã và đang được áp dụng phổ biến tại Mỹ và nhiều quốc gia khác bởi tính năng ưu việt là tăng độ ma sát, bảo đảm an toàn, giảm tiếng ồn, thoát nước nhanh… Thảm đường theo công nghệ này có "hại lốp" hơn công nghệ bình thường, nhưng độ ma sát cao sẽ giúp xe bám đường hơn, nhờ đó cũng an toàn hơn khi lưu thông. Đổ lỗi xe nổ lốp do độ bám đường tốt hơn là thiếu tính thuyết phục!
Theo cơ quan chức năng, loại phương tiện bị nổ lốp nhiều nhất trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương là xe tải. Việc xe tải chở quá tải trọng luôn là vấn đề bức xúc, làm hư hại mặt đường nhanh. Khả năng xe chở quá tải, đi với tốc độ cao trên đường cao tốc bị nổ lốp rõ ràng là rất cao. Đó là chưa kể, để thu nhiều lợi nhuận, chủ phương tiện luôn tiết kiệm tối đa chi phí, do vậy sử dụng lốp xe quá lâu, không bảo đảm chất lượng, không đúng kích cỡ như quy định… Đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường cao tốc.
Siết chặt quản lý phương tiện
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc, cả nước sẽ có hàng chục tuyến với gần 6.000km đường bộ cao tốc. Thiết kế kỹ thuật của tuyến cao tốc là 120km/h, nhưng do những vấn đề kỹ thuật, nên cả đường TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Đại lộ Thăng Long đều chưa cho phép đi với tốc độ nói trên. Rõ ràng, nếu tăng tốc độ phương tiện theo đúng thiết kế, nguy cơ nổ lốp còn cao hơn.
Để quản lý, khai thác đường cao tốc hiệu quả trong tương lai, Bộ GTVT đã thành lập Văn phòng Quản lý đường cao tốc và kiến nghị thành lập Cục Quản lý đường bộ cao tốc. Mới đây, Bộ GTVT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký biên bản ghi nhớ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực hệ thống vận hành và bảo trì đường cao tốc. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ không hoàn lại 2,2 triệu USD để thực hiện dự án kéo dài trong 2 năm. Trong khuôn khổ dự án, JICA sẽ cử chuyên gia, cung cấp thiết bị và tổ chức đào tạo cho cán bộ Việt Nam; giúp xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng đường bộ cao tốc... Đây là điều rất cần thiết, bởi mới chỉ có 2 tuyến đường cao tốc đưa vào sử dụng, nhưng đã bộc lộ không ít lúng túng trong quản lý, vận hành, điển hình là việc liên tục thay đổi quy định tốc độ trên Đại lộ Thăng Long khi mới đưa vào khai thác.
Trở lại chuyện phương tiện nổ lốp trên đường cao tốc, có thể thấy việc quản lý chất lượng, vận hành, bảo dưỡng đường là chưa đủ mà cần phải siết chặt quản lý phương tiện. Tốc độ cao, độ bám dính đường lớn đương nhiên đòi hỏi chất lượng lốp, chất lượng phương tiện theo đúng quy định. Ngoài đội ngũ đăng kiểm, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện không bảo đảm yêu cầu an toàn hoặc chở quá tải...
Cả nước mới có khoảng 100km đường cao tốc đúng nghĩa mà đã xảy ra không ít chuyện. Thời gian tới, hàng trăm, rồi hàng nghìn kilômét đường cao tốc sẽ tiếp tục được đưa vào sử dụng, việc siết chặt quản lý là cần thiết để không rơi vào thế bị động. Ngay cả khi chưa có hệ thống đường cao tốc, cũng cần thiết siết chặt quản lý chất lượng phương tiện, bởi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm bảo đảm an toàn giao thông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.