(HNM) - Vào khoảng 14h40 ngày 23-9, trước cửa nhà số 66 đường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến một cháu bé tử vong.
Theo các nhân chứng, một cháu bé đi xe đạp với tốc độ nhanh, lại mải chơi đùa với bạn, thiếu quan sát nên đã lao thẳng vào phần tôn thò ra trên chiếc xích lô ở phố Tân Mai, bị tôn cứa vào cổ, chảy nhiều máu. Ngay lập tức, người dân địa phương cùng người nhà cháu bé đã đưa cháu vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, nhưng cháu đã không qua khỏi.
Bàng hoàng, đau xót là tâm trạng của những người chứng kiến sự việc và kể cả những người đọc dòng tin này trên báo chí. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân; đồng thời, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dẫn đến vụ tai nạn.
Cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm quy định về quản lý vận tải bằng xe thô sơ, xe gắn máy. Ảnh:Ngọc Thành |
Nhưng từ vụ tai nạn thương tâm này mới giật mình thấy rằng, lâu nay, việc phương tiện thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh, ba bánh chở hàng cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến trên đường phố đến mức trở thành... quen thuộc. Tôn, tấm lợp, sắt, kính, thép xây dựng dài hàng mét, được các chủ cửa hàng vật liệu thuê chở bằng xe xích lô, mô tô, với lý do đây là loại xe cơ động, có thể vào sâu ngõ, ngách, đi bất kể giờ giấc mà cước phí thấp. Nếu ít thì người ta cuộn tròn tấm tôn, buộc dọc thân xe; nếu nhiều thì người ta kéo thêm giá chở hàng, rồi cứ thế "diễu hành" hết phố này sang phố khác. Thậm chí, còn lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ. Theo ông Nguyễn Đình Khánh, phố Văn Miếu, quận Đống Đa, chẳng ai lạ gì hiện tượng trên. Kinh khủng nhất là có xe máy phóng ầm ầm, trên vai người điều kiện là thanh thép dài ngoẵng hay thanh inox sắc lẻm.
Nhiều người, đến lúc này mới giật mình đặt câu hỏi, tại sao những "hung thần" đó vẫn có thể nghênh ngang giữa ban ngày. Những chiếc xích lô, xe máy ba bánh chở thép, tôn kềnh càng hơn cả xe tải và nguy hiểm vô cùng, chắc hẳn không quá khó để phát hiện, bắt giữ. Cũng có thể hiểu vì cuộc sống mưu sinh của người dân, nhưng không thể biện hộ cho sai phạm, đe dọa đến tính mạng của người khác. Còn nhớ, Công an TP Hà Nội đã từng có đợt cao điểm xử lý phương tiện thô sơ, xe gắn máy, mô tô chở hàng cồng kềnh. Có thể, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc, đã bị xao nhãng nên "hung thần" tái xuất.
Để ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng yêu cầu, triển khai nghiêm việc quản lý xe thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo tinh thần Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP, ngày 4-2-2008 của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Vậy nên, thành phố cần có một đợt cao điểm kiểm tra, dẹp bỏ ngay loại phương tiện chở hàng này. Không chỉ xử lý người điều khiển mà cần xử lý cả chủ hàng, vì cả hai đều thiếu ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông, coi thường tính mạng người khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.