Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải rõ trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo

Việt Tuấn| 26/02/2014 06:25

(HNM) - Ngày 25-2, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh dẫn đầu Đoàn giám sát số 1 của Thường trực HĐND thành phố làm việc với huyện Thanh Oai về công tác giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại buổi làm việc giám sát huyện Thanh Oai. Ảnh: Anh Quý


Chủ tịch HĐND thành phố ghi nhận, thời gian qua huyện Thanh Oai đã nghiêm túc phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ đại biểu HĐND và MTTQ thành phố tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri, tổng hợp khá đầy đủ những kiến nghị chính đáng của cử tri chuyển đến các cấp chính quyền và trả lời, giải quyết được hơn 80% số kiến nghị. Tuy nhiên, vẫn còn 13 ý kiến, kiến nghị chưa giải quyết. Huyện Thanh Oai cũng đã giải quyết các vụ việc KNTC theo thẩm quyền, không còn vụ việc tồn đọng kéo dài và không có khiếu kiện đông người. Dù vậy, việc kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan, cá nhân trong tiếp công dân và giải quyết KNTC ở cơ sở chưa thường xuyên; việc tổng hợp, phân loại đơn thư có lúc chưa chính xác; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng từ thành phố đến huyện trong giải quyết KNTC chưa thường xuyên. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu Huyện ủy, HĐND, UBND, các ngành chức năng của huyện Thanh Oai cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết KNTC, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, không khoán trắng cho bộ phận tiếp dân, lực lượng thanh tra. Trong giải quyết, huyện cần phân rõ trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo. Đặc biệt, huyện coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân; cung cấp đủ tài liệu cho cán bộ nghiên cứu chuyên sâu, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giải quyết đơn thư, KNTC, nhất là các văn bản liên quan đến quản lý đất đai, GPMB, xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, huyện Thanh Oai cần chỉ đạo, đôn đốc giải quyết ngay những kiến nghị của cử tri.

* Cùng ngày, Đoàn giám sát số 2 do Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt dẫn đầu đã làm việc với quận Thanh Xuân cũng về nội dung trên. Đoàn giám sát ghi nhận, quận Thanh Xuân đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND thành phố trả lời các kiến nghị cử tri; giải quyết tốt KNTC theo thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến nghị tồn đọng, kéo dài liên quan đến nhiều cấp, ngành, cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa trả lời, làm rõ. Một số vụ việc đã được UBND thành phố hoặc sở, ngành chỉ đạo nhưng các đơn vị của quận thực hiện không dứt điểm, dẫn đến cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị. Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị quận Thanh Xuân cần chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm những vụ việc còn tồn đọng. Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các quy định của pháp luật, quận cần nâng cao năng lực tiếp dân của đội ngũ cán bộ chuyên trách. Trên cơ sở đó, tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị để tham mưu cho các ngành và UBND thành phố giải quyết theo thẩm quyền, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

* Chiều 25-2, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã khảo sát kết quả triển khai công tác thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo các quận, huyện thực hiện thu phí sử dụng đường bộ. Năm 2013, thành phố đã thu phí 1,2 triệu xe (mới đạt 1/3 số xe đăng ký) với số tiền hơn 55 tỷ đồng. Nguyên nhân đạt thấp là do phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô là khoản thu mới, lần đầu triển khai, lại thu vào cuối năm 2013, nên tâm lý người nộp còn nghe ngóng. Thêm nữa, việc thu phí giao cho thôn, tổ dân phố, nhưng không giao quyền, chế tài xử phạt, dẫn đến khó khăn, hiệu quả thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải rõ trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.