(HNM) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị trong những năm qua, các hình thức quảng cáo (QC) ngoài trời cũng phát triển vô cùng đa dạng. Tuy nhiên sự đa dạng ấy lại kéo theo những bức xúc về mỹ quan cũng như nguy cơ mất an toàn rất lớn...
Một ví dụ điển hình cho tình trạng này là công trình tại số 549 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Gia Thụy, quận Long Biên) bị bọc kín bởi các biển QC ôm trọn từ mặt tiền đến bên hông tường và cả trên nóc nhà, rộng hàng trăm mét vuông. Nhưng điều ít ai ngờ là các tấm biển QC này đều không có giấy phép xây dựng, không có hồ sơ quản lý phòng cháy chữa cháy, không có văn bản đồng ý nội dung QC của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tính riêng quận Long Biên, đến tháng 3-2017 có đến 1.120/7.356 biển hiệu sai phạm về kích thước chưa được xử lý… Và mức độ vi phạm về pháp luật QC ở nhiều quận, huyện khác cũng tương tự như thế.
Tại sao biển QC, một loại hình tồn tại giữa "thanh thiên bạch nhật" nhưng khi vi phạm lại không được xử lý rốt ráo. Và sau hơn 4 năm Luật QC có hiệu lực (ngày 1-1-2013) đến nay hầu như chưa quận, huyện nào cấp phép xây dựng cho những bảng, biển hiệu có diện tích lớn?
Trong quá trình triển khai thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị", Hà Nội coi chấn chỉnh và đưa hoạt động QC ngoài trời vào nền nếp là phần việc quan trọng, đặc biệt là lập quy hoạch chung cho hoạt động này. Từ năm 2016 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh hoạt động QC ngoài trời. Bằng Quyết định 01/2016/QĐ-UBND, quy chế quản lý hoạt động QC ngoài trời đã được cụ thể hóa; Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 3-8-2016 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động QC cũng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ cho từng ban, ngành, quận, huyện. Trong những lần ra quân xử lý gần đây, các vi phạm đã bị chỉ rõ, chủ các công trình vi phạm nếu không tự giác tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế theo đúng quy trình… Trước sự quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều bảng, biển hiệu QC quá khổ đã bắt đầu được gia chủ thu nhỏ kích cỡ. Nhưng nhiều vi phạm vẫn tồn tại.
Đáng bàn là đến nay quy hoạch QC ngoài trời vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong khi nhiều vi phạm không được xử lý triệt để bởi trách nhiệm chưa được định rõ.
Trước đây, khi chưa có Luật QC, hoạt động cấp phép xây dựng cho công trình QC thực hiện theo Thông tư 10/2012/TT-BXD. Tuy nhiên, khi Luật QC có hiệu lực, mọi quy định trái với luật này đều bị bãi bỏ. Thông tư 15/2016/TT-BXD đã thay thế Thông tư 10/2012/TT-BXD… Vậy nhưng đến nay, sau hơn một tháng Tổ liên ngành của thành phố ra quân kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động QC, biển hiệu tại 12 quận và huyện Thanh Trì, đại diện Thanh tra xây dựng vẫn dựa vào Thông tư 10/2012/TT-BXD để cho rằng, ngành Văn hóa có trách nhiệm đầu tiên trong quy trình lắp dựng bảng QC, biển hiệu!?
Rõ ràng sự thiếu cụ thể trong trách nhiệm đã khiến công tác quản lý hoạt động QC không phát huy được hiệu quả. Đã đến lúc từng cấp, từng ngành phải tự nhìn nhận lại trách nhiệm của mình. Đặc biệt, cần sớm hoàn thành quy hoạch chung về QC ngoài trời, khi đó trên các tuyến phố, từ lòng đường, vỉa hè đến hông tường nhà lắp đặt biển hiệu, biển QC phải tuân thủ quy định, quy chuẩn rõ ràng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.