(HNM) - Khi thảo luận về công tác nhân sự cấp ủy đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015- 2020, nội dung về cơ cấu cấp ủy và độ tuổi cấp ủy viên được đại diện các tổ chức cơ sở Đảng quan tâm. Nhiều ý kiến khẳng định, việc bảo đảm chất lượng và cơ cấu đang là bài toán khó đặt ra mà nhiều cấp ủy không giải được ngay trong nhiệm kỳ sắp tới.
Căn cứ theo Chỉ thị số 36-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kế hoạch của Thành ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức TƯ, Ban Tổ chức Thành ủy, Đảng ủy khối Các trường đại học, cao đẳng xây dựng hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy cơ sở trực thuộc với 3 độ tuổi, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Cụ thể, dưới 35 tuổi chiếm không dưới 10%, từ 35-50 tuổi chiếm 40-50%, còn lại trên 50 tuổi. Số lượng cấp ủy viên của các đảng bộ cơ sở không quá 15 đồng chí (nhiệm kỳ trước tối đa là 21 người). Khi thảo luận về tiêu chí trên, đại diện cấp ủy nhiều trường đại học đều cho rằng việc thực hiện cấp ủy dưới 35 tuổi chiếm không dưới 10% sẽ rất khó khăn. Thực tiễn ở các nhà trường cho thấy, đảng viên dưới 35 tuổi thường đang ở trong diện hoàn thiện bằng cấp để đủ tiêu chuẩn trở thành giảng viên, chưa đủ uy tín để đưa vào ứng cử Ban chấp hành, mà nếu ứng cử cũng chưa chắc đã trúng cử.
Đại diện Đảng ủy Trường Đại học Y Hà Nội còn cho biết, Bí thư Đoàn trường là đối tượng có thể cơ cấu vào cấp ủy thì cũng sinh năm 1977, đã quá tuổi 35. Thực tế, không chỉ ở Đại học Y mà nhiều trường khác, Bí thư Đoàn thường cũng đã quá tuổi 35. Do vậy, đại diện các tổ chức cơ sở Đảng đề nghị không vì cơ cấu mà bỏ qua chất lượng của cấp ủy.
Có thể thấy trong thực tế, ý kiến đề nghị của đại diện cấp ủy các trường đại học, cao đẳng về nhân sự độ tuổi trẻ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nhìn lại có thể đặt câu hỏi phải chăng công tác quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ của cấp ủy các trường chưa được quan tâm đúng mức? Nếu nắm bắt được đặc thù của cơ sở để quy hoạch cán bộ với tầm nhìn dài hơn chứ không chỉ trong một nhiệm kỳ thì các nhà trường sẽ có thể chủ động hơn về số lượng cán bộ trẻ, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để phù hợp với tình hình, hướng dẫn của Đảng ủy khối Các trường đại học, cao đẳng cũng đã có giải pháp là nơi nào chưa chuẩn bị đủ cơ cấu thì tiến hành bầu cử với số lượng cấp ủy viên ít hơn, số còn lại sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ mới nhằm bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu theo quy định. Nhưng hơn hết, ngay từ bây giờ, các cấp ủy cần chú trọng đến công tác quy hoạch cán bộ trẻ, kể cả cho nhiệm kỳ tiếp sau nữa (nhiệm kỳ 2020-2025). Khi thực sự quan tâm đến công tác cán bộ trẻ, làm tốt việc quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng thì những khó khăn đặt ra sẽ không bị lặp lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.