(HNM) - PGS.TS, NSND Ngô Mạnh Lân là một cây đại thụ của phim hoạt hình Việt Nam. 60 năm trong nghề, ông dành phần lớn thời gian cho khá nhiều lĩnh vực nghệ thuật đồ họa từ tranh khắc gỗ, trình bày và minh họa sách, báo, tranh cổ động cho tới phim hoạt hình…
Những dấu ấn trong sáng tác đồ họa của ông phần nào được thể hiện trong triển lãm Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân (từ ngày 13-5 đến 23-5) tại Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Nhân triển lãm, NSND Ngô Mạnh Lân đã dành cho phóng viên Báo Hànộimới cuộc trò chuyện.
- Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân là triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ. Điều khác biệt ở triển lãm lần này mà ông muốn đem đến công chúng là gì?
- Triển lãm cá nhân lần đầu tiên của tôi (năm 1971) mang tên Triển lãm sáng tác đồ họa Ngô Mạnh Lân. Sau 35 năm, Triển lãm tranh Ngô Mạnh Lân là cuộc "tổng động viên" toàn diện, toàn lực các tác phẩm mà tôi sáng tác thuộc nhiều loại hình và thể loại nghệ thuật. Lần này, ở tuổi 80, tôi muốn có một triển lãm dành riêng cho đồ họa, trong đó có những phác thảo nghiên cứu chưa từng công bố. Có thể kể đến bộ 20 tranh đồ họa hoạt hình về truyền thuyết dân gian "Thánh Gióng"; phác họa nhân vật trong truyện "Bộ quần áo mới của hoàng đế"; phác họa phim hoạt hình và minh họa sách "Dế Mèn phiêu lưu ký". Bên cạnh đó là những bộ tranh truyện khá quen thuộc cho thiếu nhi như "Đội quân ong", "Con sáo biết nói", "Cây tre trăm đốt", "Cái Tết của mèo con"...
- Ông bắt đầu hành trình đến với đồ họa từ khi nào?
- Bức tranh đồ họa đầu tiên của tôi là "Sản xuất và tiết kiệm" (in litho) và "Đi dân công", "Đóng thuế nông" (khắc gỗ), thực hiện năm 1952. Lúc ấy khái niệm tranh đồ họa với tôi còn khá xa lạ, chỉ biết làm bài tập theo kỹ thuật thạch ấn và mộc khắc. Khi được cử đi học đại học ở Liên Xô cũ (1956), được phân công học phim hoạt hình - chuyên ngành đồ họa, tôi mới dần hiểu "đồ họa" là thế nào. Vị giáo sư dạy môn học này đã hướng cho học trò phát triển lối tư duy hình tượng, óc hư cấu và tính hài hước trong sáng tạo nhân vật và động tác. Ngay trong thời gian học tôi đã có cơ hội làm minh họa cho truyện "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài (năm 1959) do NXB Thanh niên cận vệ đội Liên Xô in và được đánh giá tốt.
- PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Đỗ Bảo nhận xét: "Họa sĩ Ngô Mạnh Lân rất có duyên trong các sáng tác đồ họa dành cho thiếu nhi". Ông nghĩ sao về điều này?
- Chuyên ngành hoạt hình đòi hỏi phải có óc tưởng tượng dồi dào trong xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh và kỹ năng thể hiện kiểu đồ họa. Khi bước vào nghề rồi gắn bó với nghề tôi hiểu rằng, đồ họa cho thiếu nhi phù hợp với tạng của mình. Hồi mấy cô con gái tôi còn nhỏ, mỗi lần nhìn tranh bố vẽ chúng cười thích thú, làm tôi vui lắm. Năm 1968, khi phim hoạt hình "Những chiếc áo ấm" của tôi ra rạp, đọc những dòng cảm tưởng của các em nhỏ trên Báo Màn ảnh Hà Nội, tôi thấy xúc động vô cùng... Đó chính là động lực cho tôi tiếp tục sáng tạo.
- Ông có suy nghĩ gì về những bước chuyển của đồ họa Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay?
- Thời của chúng tôi làm đồ họa khá vất vả. Thời ấy, đồ họa đề cao tính phổ cập, diễn đạt cụ thể nội dung tác phẩm, không hình thức phô trương kỹ xảo, không có sự cởi mở và phóng khoáng như bây giờ. Ngày nay, đồ họa ở ta cũng như ở nhiều nước trong khu vực đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng, đẹp và có kỹ thuật cao, không còn bị gò bó về phương tiện, nhất là thể loại đồ họa độc lập (tranh in)… Dù vậy, đôi khi người xem vẫn thèm được cảm nhận ý tưởng của người sáng tác trên tác phẩm.
- Qua triển lãm lần này, ông muốn nhắn gửi điều gì tới những người đang bước tiếp con đường ông đã đi?
- Các bạn nên thể hiện những gì người xem có thể cảm nhận được. Khi sáng tác, ngoài tâm huyết, phải nghĩ đến người tiếp nhận tác phẩm của mình.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.