(HNM) - Đến nay, Việt Nam đã có 16 di sản thế giới (DSTG) được công nhận và còn nhiều DS khác đang là ứng cử viên nặng ký. Nếu như giá trị DS phi vật thể khó có thể cân đo đong đếm thì DS vật thể hoàn toàn có thể "quy ra thóc".
UNESCO ước tính, mỗi DS được công nhận có giá trị "thương hiệu" lên tới 500 triệu USD và có thể thu hút ít nhất một tỷ người đến với nó. Thế nhưng, DSTG ở Việt Nam hoặc là chưa được quan tâm đúng mức hoặc đang được khai thác theo kiểu "ăn xổi ở thì"…
Giá trị mới
Không thể phủ nhận là các DS của Việt Nam sau khi được "nâng tầm" từ quốc gia lên quốc tế đều phát huy giá trị tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 1993, doanh thu từ bán vé tham quan và dịch vụ của di tích Cố đô Huế chỉ đạt vài trăm triệu đồng nhưng sau khi được công nhận DSTG con số này lên gần 100 tỷ đồng mỗi năm. Theo báo cáo của BQL Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), năm 1996 chỉ có 236 ngàn lượt khách đến với vịnh, doanh thu từ phí tham quan đạt 1,2 tỷ đồng, đến năm 2011 đã có 6 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu khách quốc tế, tiền bán vé đạt hơn 100 tỷ đồng. Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, sau khi được "khoác" danh hiệu đã đóng góp trên 10 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh. Việc khai thác phát huy giá trị DS đã tạo điều kiện cho công tác phục hồi và phát triển các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Khánh Nguyên |
Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá: "Các DS ở Việt Nam là sự hội tụ, tổng hòa của nhiều yếu tố, là sự liên kết giữa vật chất và tâm linh. Tất cả đều đẹp và có sự khác biệt, không trùng lắp". Điều đó đã phần nào khẳng định giá trị, sức sống mới của các DSTG ở Việt Nam.
Khai thác nhỏ lẻ
Tuy nhiên, nếu so sánh với thương hiệu được UNESCO "định giá" lên tới 500 triệu USD và một tỷ người đến với DS, nghĩa là trung bình mỗi DS sẽ có hơn 10 triệu lượt khách tham quan/năm, "sức sống mới" của các DS được vinh danh vẫn còn rất yếu ớt.
Cảng tàu du lịch Bãi Cháy quy mô vừa phải mà tàu thuyền đậu chật như nêm, mỗi lần tàu ra, vào đều phải xoay trở rất khó khăn. Chuyện mở rộng cảng được bàn từ vài năm trước, nhưng kể cả khi cảng mở rộng thì cảnh quan, môi trường của vịnh cũng không thích hợp cho số lượng cả ngàn tàu xuôi ngược. Cảnh tượng chen chúc ở các điểm tham quan (động Thiên Cung - hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt) hay tàu thuyền phải neo đậu sát sàn sạt cạnh bãi tắm Titov đều tạo cảm giác... bất ổn. Mới hơn 6 triệu lượt du khách mà đã thế, 10 triệu lượt người đổ về mỗi năm thì Vịnh Hạ Long sẽ phải xoay xở ra sao? Huế có lợi thế lớn khi sở hữu nhiều danh hiệu DSTG nhưng cảm giác của nhiều du khách khi đi thăm Huế là... trả nhiều tiền quá bởi đến nơi nào cũng phải mua vé. Lợi thế lớn nhất của DS Phong Nha - Kẻ Bàng phải là động nước Phong Nha, nhưng không may đến động vào ngày nước lên do mưa thượng nguồn đổ về thì không thể đi thuyền vào sâu trong động, chưa kể sông Son không còn màu xanh ngắt đặc trưng. Chiêm ngưỡng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), cách tốt nhất là nhìn qua cửa kính ô tô bởi những cung đường qua đây quá nhỏ và rất ít điểm dừng chân…
Việc quảng bá, khai thác giá trị DSTG ở Việt Nam hiện nay chủ yếu do các công ty du lịch và của địa phương triển khai, chưa có tầm chiến lược lâu dài, bền vững và quy hoạch cụ thể, rõ ràng để có thể gắn kết các di sản lại với nhau.
Và những cảnh báo
Nói về các DSTG ở nước ta, ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Thương hiệu DSTG đã nhiều lần "cứu" Hạ Long, Huế hay Hội An thoát khỏi những tham vọng khai thác quá đà, tầm nhìn ngắn hạn. Cảnh báo của UNESCO về ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long quá rõ ràng đã khiến tỉnh Quảng Ninh phải thận trọng hơn để không bị tước danh hiệu. Danh hiệu DSTG cũng đã giúp Huế, Hội An, Mỹ Sơn… được quốc tế hỗ trợ nhiều hơn trong việc trùng tu, bảo tồn.
Tuy nhiên, những nỗ lực ấy là chưa đủ. Theo ông Đặng Văn Bài, trên thế giới đã có một số DS bị tước danh hiệu do không thực hiện đúng các cam kết. Năm 2006, Thung lũng Elbe nằm trong danh sách các DSTG có nguy cơ bị hư hại do chính quyền nơi đây lên kế hoạch xây dựng cây cầu Waldschloesschen với 4 làn đường ở ngay chính giữa DS và bị UNESCO cảnh báo. Được sự ủng hộ của người dân địa phương, cây cầu Waldschloesschen vẫn được xây dựng và không giữ được "giá trị nổi bật toàn cầu" nên bị xóa tên khỏi danh sách DSTG. Tương tự, năm 2007, đền thờ Arabian Oryx của Oman cũng đã bị loại khỏi danh sách sau 13 năm được công nhận.
"Đây là hồi chuông mà UNESCO gióng lên để cảnh báo với các nước đang "sở hữu" DS rằng danh hiệu DSTG có thể bị tước bỏ bất cứ lúc nào nếu việc bảo tồn DS không đúng hướng" - ông Đặng Văn Bài nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.