Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải làm rõ hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

Việt Nga| 17/06/2014 06:14

(HNM) - Ngày 16-6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường cho ý kiến và thông qua một số dự thảo luật.


Cả buổi sáng, QH thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi). Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH, đa số ĐBQH tán thành với việc cần thiết ban hành Luật Tổ chức QH (sửa đổi), đồng thời góp ý bổ sung một số vấn đề cho dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. 27 ý kiến ĐB phát biểu thảo luận tại hội trường đã tập trung vào các vấn đề chính: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH; về ĐBQH; đoàn ĐBQH và những vấn đề khác. Góp ý về vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng), Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo cần quy định chi tiết hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH trong việc làm luật, quyết định ngân sách nhà nước, bầu, phê chuẩn nhân sự và quyết định những vấn đề quan trọng khác của đất nước; cụ thể hóa hơn mối quan hệ và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa QH với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, tư pháp…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Cù Thị Hậu phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Về nội dung ĐBQH, một số ĐB cho rằng, quy định cơ chế hoạt động của ĐBQH còn nặng về hành chính; đáng chú ý, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) đề xuất nên đổi mới, làm rõ quy trình để tuyển chọn người có tài, tâm huyết xứng đáng với vai trò người ĐB của nhân dân. Một số ĐB đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn, độ tuổi, trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định về những việc ĐB không được làm để bảo đảm tính độc lập cho ĐBQH; quy định cụ thể địa vị pháp lý của ĐBQH hoạt động chuyên trách ở TƯ và địa phương... Các ĐB cũng thảo luận về các nội dung liên quan đến đoàn ĐBQH, về UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, tất cả ý kiến đều được ban soạn thảo, các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu và giải trình để hoàn thiện dự thảo và báo cáo với QH vào cuối năm nay. Về đề nghị của một số ĐBQH cho rằng sẽ sử dụng thời gian dự phòng để tiếp tục cho ý kiến về dự án luật này, Phó Chủ tịch QH cho biết, tới đây UBTVQH sẽ chỉ đạo tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách về tổ chức những hội nghị, hội thảo và có các hình thức thích hợp để ĐB có điều kiện tham gia kỹ vào dự án luật này.

Đầu giờ chiều, sau khi lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ĐBQH đã bỏ phiếu thông qua dự thảo luật này. Dự thảo luật đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung 14 nhóm vấn đề như: Nguyên tắc, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú; giá trị sử dụng, hình thức thị thực, thời gian thị thực; điều kiện cấp thị thực; các trường hợp được miễn thị thực và việc cấp thị thực tại cơ quan thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài… Trong đó có một số nội dung đáng chú ý: Về điều kiện cấp thị thực, như cấp thị thực cho nhà đầu tư, UBTVQH cho biết, quy định điều kiện cấp thị thực cho nhà đầu tư là phù hợp với Luật Đầu tư.

Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư thì được xem xét cấp thị thực có ký hiệu khác. Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất và ổn định của quy định trên, UBTVQH đã chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 4 Điều 10 theo hướng quy định có tính nguyên tắc, nội dung cụ thể sẽ do Luật Đầu tư quy định. Với trường hợp được miễn thị thực, đơn phương miễn thị thực và việc cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài, UBTVQH đã bổ sung quy định trường hợp được miễn thị thực là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại khoản 5 Điều 12…

Ngay sau đó, QH đã dành phần lớn thời gian còn lại để thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải làm rõ hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.