(HNM) - Gần đây có những hội nghị BCH Trung ương Đảng khiến hàng triệu người trong cả nước và cả những người Việt Nam đang sống ở nước ngoài chăm chú theo dõi. Đó là Hội nghị BCH Trung ương 4 (khóa XI) ra Nghị quyết "Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Hội nghị Trung ương 5 và hiện nay là Hội nghị Trung ương 6 đang họp.
Từ diễn đàn Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư đã nói với toàn Đảng và toàn dân một nhận định đặc biệt quan trọng: "Đây là thời cơ duy nhất để Đảng lấy lại niềm tin trong nhân dân và củng cố vị trí lãnh đạo của mình". Đã là thời cơ duy nhất tức là không thể có dịp làm lại lần thứ hai, không được phép không thành công; nghĩa là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái lý tưởng, đạo đức, lối sống, đã vào hồi quyết liệt và chỉ có bảo đảm thành công.
Người dân hiểu những vấn đề liên quan đến an nguy vận nước đang được bàn thảo và quyết định, nên tuy còn nhiều băn khoăn, bức xúc trong cuộc sống hàng ngày nhưng vẫn một lòng hướng về Đảng, tin tưởng, gắn bó và mong muốn sự tự vượt lên của Đảng để giữ vững vị trí một chính đảng lãnh đạo. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có một lợi ích duy nhất là lợi ích dân tộc.
Trong những ngày này, bộ tham mưu cao nhất của Đảng đang thảo luận và hoạch định những vấn đề rất quan trọng, trong đó có chiến lược cán bộ. Dù là bàn về chiến lược cán bộ cấp cao của Đảng trong những khóa tới, nhưng suy cho cùng cũng là bàn về việc phát hiện, đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ con người - một vấn đề tưởng đã nghe quen mà rất mới, tưởng đã sáng rõ nhưng còn rất nhiều điều phải bàn, cả về lý luận và thực tiễn, nhất là trong tình hình hiện nay.
Đảng ta từ lâu đã rất quan tâm đến công tác cán bộ và ngày càng quan tâm hơn đến công tác này. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý". Từ nhận thức khoa học ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu công tác cán bộ, lấy cái tâm trong sáng, nhân ái của mình để làm công tác cán bộ. Suốt đời Người lúc nào cũng quan tâm đến công tác cán bộ. Nhưng hãy chọn mấy thời điểm làm thí dụ. Vào những năm chưa giành được chính quyền, phải hoạt động cách mạng bí mật và cả ở nước ngoài, việc được Người luôn đặt lên hàng đầu là mở các lớp huấn luyện, lập các nhóm cách mạng để đào tạo cán bộ. Từ các tổ chức Tâm Tâm xã, Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và nhiều khóa huấn luyện khác, Người đã đào tạo những lớp cán bộ tài giỏi, trung kiên: Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… Trong thời gian ở Pháp, nhất là năm 1946 khi sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Người đã thu hút được hàng chục trí thức, người trước người sau tình nguyện từ bỏ vinh hoa nơi xứ người, trở về nước tham gia cách mạng. Nhiều tên tuổi sau này đã lừng lẫy trong sử sách như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng… Trước nguy cơ giặc Pháp xâm lược trở lại, Người thành lập Chính phủ kháng chiến với rất nhiều chí sĩ, trí thức yêu nước, kể cả một số nhân vật đối lập. Nhiều người trong số này như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại…, đã đi cùng cách mạng đến trọn đời. Chính nhờ công tác cán bộ đúng đắn, sáng suốt, dưới sự rèn luyện và giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng được nhiều thế hệ cán bộ có tài, có đức, tuyệt đối trung thành với dân tộc, đất nước, với lý tưởng của Đảng, kiên trung bất khuất, đi đầu gương mẫu, khổ trước dân, sướng sau dân, được dân tin, dân mến, trở thành yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, sở dĩ Đảng lãnh đạo được cách mạng đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là nhờ được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, mà muốn có những điều đó là nhờ Đảng đã có một đội ngũ cán bộ trung với Đảng, hiếu với dân, có lý tưởng cao đẹp, có tài và đức, hết lòng phụng sự đất nước.
Giai đoạn cách mạng chuyển đổi cũng kéo theo nó những thay đổi về tiêu chuẩn cán bộ. Trước đây trận tuyến địch - ta phân định rõ ràng; nay cuộc đấu tranh giữa cái thiện - cái ác, cái xấu - cái tốt diễn ra ngay trong nội bộ, trong mỗi con người. Trước đây thêm chức, thêm quyền là thêm nghĩa vụ, thêm nguy hiểm cho bản thân; nay tăng chức quyền không chỉ tăng nghĩa vụ mà còn gia tăng điều kiện để những ai có lòng tham, không chịu rèn luyện, lợi dụng để trục lợi cá nhân, để thỏa mãn lòng tham của vợ con, gia đình, người thân. Có những người tài đức thì có hạn nhưng lòng tham, nhu cầu hưởng thụ lại vô hạn nên họ kéo bè kéo cánh, âm mưu thủ đoạn, kèn cựa chèn ép... Họ không thắng nổi sức hấp dẫn của cuộc sống hằng ngày thực dụng, hưởng thụ, nên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức lối sống.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Không ít nơi vẫn tồn tại cách nghĩ không muốn ai hơn mình nên đố kỵ, hẹp hòi, định kiến, ít thấy cái hay, cái tài ở người khác, không phát hiện, đánh giá đúng từ đó không trọng dụng người có tài đức. Chính vì sự hẹp hòi đó, đã có một thời gian dài, chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của trí thức. Tiếp đó là có không ít cán bộ không tin tưởng ở quần chúng, cho rằng công tác cán bộ là của Đảng và chỉ Đảng mới làm được. Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, vậy thì công tác cán bộ, tức là bố trí con người để thực hiện cuộc cách mạng đó phải được dân tham gia kiểm tra, giám sát xem người cán bộ có gần dân, vì dân hay không. Xưa nay, người tài đức trong thiên hạ không thiếu, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "công thư" được đăng báo những năm đầu cách mạng thì chỉ sợ "Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đức không thể xuất thân". Vì vậy cần phải đánh giá sáng suốt, công bằng trong sự góp ý, tham gia của dân, đồng thời đào tạo, rèn luyện và có sự đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi để những hiền tài phát huy sức mình.
Như vậy, bên cạnh những thành tựu, công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước ta ở mức độ nào đó vẫn còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều người giỏi trong và ngoài Đảng cống hiến cho dân tộc, đất nước và chế độ. Nếu vẫn tồn tại sự lúng túng, quy hoạch chưa đúng mức, chưa khoa học, thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ có tâm, có tầm cho hiện tại và nhiều năm sau.
Một mặt, nếu không phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng được nhiều người hiền tài trong xã hội; mặt khác, không xử lý triệt để một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền tham nhũng, tư lợi, tha hóa về đạo đức lối sống, mất dân chủ, sống xa dân, hẹp hòi định kiến; thì sẽ khiến nội bộ mất đoàn kết, làm giảm sức chiến đấu của Đảng. Đó là một mối nguy, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, như đại ý lời Tổng Bí thư đã nói.
Bởi thế, Đảng ta chọn vấn đề cán bộ là khâu then chốt của mọi khâu then chốt, yếu tố quyết định của mọi vấn đề cấp bách đang đặt ra, là rất trúng, rất đúng, và vì thế, rất được người dân ủng hộ. Có thể có rất nhiều vấn đề nóng, từ việc chống lạm phát, đổi mới toàn diện giáo dục và công nghệ, cấu trúc lại ngân hàng… đến những vấn đề quan hệ quốc tế, nhưng suy cho cùng, cũng là vấn đề con người, giải quyết tốt khâu con người, sẽ tháo gỡ được tất cả. Lịch sử tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng góp phần tạo nên lịch sử. Công tác tổ chức và cán bộ quan trọng như thế và cũng vì thế, là công việc vô cùng khó, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải khách quan, khoa học với trách nhiệm rất cao.
Như đã nói, dù có những vấn đề bức xúc trong xã hội nhưng nhân dân vẫn tin tưởng vào sự công minh của chính quyền, pháp luật, tin vào Đảng. Vấn đề làm trong sạch Đảng, cụ thể hơn là vấn đề cán bộ ngoài việc phải có bài bản, đúng quy trình, điều quan trọng nữa là phải dựa vào dân, huy động được sức mạnh của dân như Bác Hồ đã làm và đã dạy. Làm việc vì nhân dân, được nhân dân ủng hộ, việc khó mấy cũng thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.