(HNM) - Hằng năm, Chính phủ, các bộ, ngành đều thanh - kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Kết quả là hầu như lần nào cũng phát hiện ra những hạn chế, tồn tại hoặc sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Và sau mỗi kết luận thanh tra được công bố, dư luận ngày càng bức xúc, xót xa với những đồng tiền thất thoát, đầu tư kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, lãng phí mà vẫn được miêu tả là “tiền chùa”, đi cùng thực trạng câu kết, hình thành nhóm lợi ích để chia chác tiền nhà nước - thực chất là tiền của nhân dân.
Câu chuyện mới nhất là Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và xác định đơn vị này đã đầu tư ngoài ngành hơn 2 nghìn tỷ đồng nhưng thiếu hiệu quả. Đã vậy, Petrolimex cũng chưa chấp hành nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành… Đây chỉ là một đơn cử cụ thể trong số nhiều vấn đề được phát hiện.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội cũng như giới chuyên gia luôn băn khoăn, lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước khi so sánh với các doanh nghiệp sở hữu tư nhân. Nguyên nhân chính là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thường có tâm lý, tư duy “bạo tay” tiêu tiền bởi đó không phải là tiền của cá nhân, gia đình họ. Trong khi với doanh nghiệp tư nhân, "đồng tiền đi liền khúc ruột" nên việc chi tiêu rất chặt chẽ.
Rõ ràng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc quan trọng, cần làm nhanh, triệt để, dù vẫn biết đây là câu chuyện dài, rất phức tạp; có thể đụng chạm đến quyền quản lý, sử dụng, phân phối, điều hành của không ít cán bộ, công chức và cả cơ quan quản lý nhà nước được giao đại diện ở doanh nghiệp; trong đó có cả tâm lý "tiêu tiền chùa" nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.