Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải học hỏi không ngừng

Hoàng Lan| 20/06/2011 06:55

(HNM) - Công chúng yêu nhạc cổ điển Hà Nội vừa được thưởng thức tài năng độc tấu violon của nghệ sĩ Lê Hoài Nam khi anh biểu diễn các tác phẩm kinh điển của Beethoven.

Hiện anh là bè trưởng violon II của Dàn nhạc giao hưởng Hồng Kông và tham gia giảng dạy tại Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hồng Kông. Anh đã có cuộc trò chuyện thân tình với Hànộimới khi về quê hương biểu diễn.

- Được biết, anh làm quen với cây đàn violon từ khi 5 tuổi, từng theo học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, vậy con đường nào dẫn anh tới vị trí hiện tại ở Hồng Kông?

- Năm 1999, sau chương trình biểu diễn với dàn nhạc trẻ châu Á dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng lừng danh thế giới Sergiu Comissiona (Lê Hoài Nam là người Việt Nam đầu tiên trở thành Concertmaster của dàn nhạc trẻ châu Á), tôi được nhận học bổng toàn phần từ Học viện Biểu diễn nghệ thuật Hồng Kông và theo học tại đây. Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi may mắn được tham gia biểu diễn cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và dàn nhạc chuyên nghiệp trên thế giới. Từ năm 2006, tôi bắt đầu làm việc với dàn nhạc Hồng Kông Sinfonietta, đảm nhiệm vị trí bè trưởng violon II. Đây là dàn nhạc chuyên nghiệp với khoảng một trăm buổi biểu diễn mỗi năm; đồng thời tôi tham gia giảng dạy tại Học viện Biểu diễn Nghệ thuật Hồng Kông, chuyên ngành violon và hòa tấu thính phòng.

Năm 2009, nhận lời mời của Đài Phát thanh và Truyền hình Hồng Kông, tôi đã thành lập nhóm Tứ tấu đàn dây RTHK. Ngoài việc thường xuyên ghi âm cho đài, nhóm RTHK còn có chương trình biểu diễn định kỳ.

- Là người có kinh nghiệm biểu diễn, anh có thể chia sẻ "bí quyết" để thành công?

- Các bạn có thể thấy, hằng năm số lượng nhạc công tìm kiếm việc làm và cơ hội biểu diễn tăng lên một cách đáng kể. Khi lượng cung tăng lên đồng nghĩa với sự lựa chọn nhạc công cũng khắt khe hơn. Để tồn tại trong môi trường đầy tính cạnh tranh, những người làm nghề luôn phải trau dồi và làm mới chính bản thân mình.

Riêng với bản thân tôi, điều mà tôi học hỏi được từ các nghệ sĩ hàng đầu thế giới như Pichas Zukeman, Peter Dononhoe, Christopher Hoywood là sự khắt khe với chính bản thân, đồng thời phải học hỏi không ngừng để theo kịp bước tiến của thời đại. Khi biểu diễn trên sân khấu, tôi cố gắng điều tiết bản thân sao cho diễn tả đúng cảm xúc của tác giả, tác phẩm cũng như hoàn thành vị trí, vai trò được giao.

- Cảm xúc của anh qua những lần biểu diễn ở Hà Nội?

- Dù đã biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng mỗi lần được xuất hiện, biểu diễn ở chính nơi mình sinh ra, lớn lên tôi luôn háo hức. Như buổi biểu diễn bản Thăng Long của nhạc sỹ Đàm Linh cùng nhạc trưởng TetsuJi Honna và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chẳng hạn, dù đã qua lâu rồi mà mỗi khi nhớ lại tôi vẫn lâng lâng xúc cảm như khi vừa biểu diễn xong.

Đáng mừng hơn, mỗi lần về Hà Nội tôi lại thấy lượng khán giả đến với hòa nhạc cổ điển nhiều hơn. Tôi mong một ngày gần đây lại có dịp diễn tấu trên sân khấu Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải học hỏi không ngừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.