(HNM) - Các sản phẩm nông sản Việt Nam như gạo, hạt điều, tiêu, cà phê… xuất khẩu luôn đứng tốp đầu thế giới nhưng lại rơi vào cảnh
Cấy lúa cũng phải học
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân huyện Chương Mỹ chăm sóc lúa cho hiệu quả cao. Ảnh: Bá Hoạt
Trong một cuộc trò chuyện với Tiến sỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp (ĐT&PTNN) Hà Nội Phan Minh Nguyệt về chủ đề nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam, ông cho rằng, việc cấp bách của chúng ta hiện nay phải xây dựng được nền văn hóa nông nghiệp (NN). Lâu nay, không ít người cho rằng, chẳng học hành gì, không làm được nghề gì thì cho về làm ruộng. Chính quan niệm đó đã khiến nền sản xuất NN của chúng ta gặp không ít hạn chế. Nông dân canh tác bừa bãi, chăn nuôi ngay trong khu dân cư, gây ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Để có được nền NN hiện đại, có những sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao, gây dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế thì từ cấy lúa, đến bón phân, chăm sóc cây trồng, chăn nuôi con gì, như thế nào… đều phải học. "Cản trở lớn nhất khiến nông sản Việt Nam không hòa nhập vào thị trường thế giới, không gây dựng được thương hiệu, xuất khẩu thông qua nước thứ 3, giá trị kinh tế thấp là do nông dân của ta không được đào tạo. Đừng nghĩ cấy lúa là đơn giản, cấy thế nào, dùng giống gì, bón phân, chăm sóc ra sao cũng phải học"- ông Nguyệt nhấn mạnh.
Từ chính những trăn trở đó, năm 2005, Công ty TNHH nhà nước một thành viên ĐT&PTNN Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đào tạo nghề với mục đích giúp nông dân tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, giảm chi phí, tăng giá trị. Sau nhiều năm đào tạo, đến năm 2010, Trường Cao đẳng Nghề và kinh tế Hà Nội đã ra đời dưới sự đỡ đầu của Công ty TNHH nhà nước một thành viên ĐT&PTNN Hà Nội. Đây trở thành cái nôi để đào tạo nguồn nhân lực, giúp nông dân tiếp cận KHKT, tạo bước ngoặt cho nền NN Thủ đô.
Học đi đôi với hành
Tuy mới thành lập, chưa có bề dày về truyền thống đào tạo nhưng Trường Cao đẳng Nghề và kinh tế Hà Nội luôn quyết tâm xây dựng một ngôi trường đẳng cấp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp. Phương châm đào tạo của nhà trường là huấn luyện, đào tạo thay vì giảng dạy như truyền thống. Nhà trường phân bổ 70% thời gian đào tạo cho học viên thực hành, kiến tập tại các doanh nghiệp. Đào tạo theo nhu cầu, chú trọng dạy nông dân cách làm ruộng. Mục tiêu của trường là đào tạo gắn liền với doanh nghiệp và việc làm, chứ không đào tạo tràn lan, kém hiệu quả. Ông Nguyệt cho rằng, đào tạo phải theo nhu cầu, đào tạo thế nào để người làm NN có thể nâng cao giá trị sản xuất/hécta, nâng cao đời sống của chính mình, sau đó tiến tới xây dựng thương hiệu riêng.
Công ty TNHH nhà nước một thành viên ĐT&PTNN Hà Nội thường xuyên liên kết với các địa phương mở các đợt tập huấn cho nông dân. Không ít người trồng lúa, rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm khi được tập huấn mới vỡ lẽ ra, muốn làm NN giỏi, thu được nhiều tiền cũng phải học. Nhiều nông dân, đặc biệt là ở các nơi bị thu hồi đất, sau khi theo học đã nhận thức được rằng nghèo không phải vì thiếu đất mà là thiếu cái đầu, thiếu kiến thức. Lâu nay, nông dân vốn làm nông theo công thức tự phát, thủ công mang nhiều tính truyền thống. Khi được đi học mới biết, trước đây mình không chỉ tốn nhiều tiền cho việc chăm sóc cây trồng mà còn khiến cây trồng không năng suất. Khi tổ chức các lớp học này, Công ty đã khảo sát rất kỹ về tình hình sản xuất NN ở từng địa phương từ đó biết được nông dân đang thiếu gì, cần gì để mang đến cho họ. Qua thực tế giảng dạy mới thấy, nông dân của ta hầu như thiếu kỹ thuật sản xuất. Việc giảng dạy theo phương pháp "học" đến đâu "hành" đến đó, cùng với hướng dẫn chuyên sâu kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây chủ yếu của địa phương khiến khóa học rất thành công, nông dân đã giảm được chi phí sản xuất, lao động làm nông cũng bớt vất vả mà hiệu quả kinh tế lại cao. Ông Nguyệt cho rằng, cái yếu của ngành NN hiện nay là chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực cả về số lượng và cơ cấu ngành nghề nên chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực ngành này, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Hiện nay, tỷ lệ lao động làm việc trong NN chiếm hơn 50% tỷ lệ lao động cả nước. Nghị quyết Trung ương VII quyết tâm đưa tỷ lệ lao động NN xuống còn 30% vào năm 2020. Yêu cầu hết sức to lớn, hiện nay là Chính phủ cần đầu tư để đào tạo những người nông dân sản xuất thuần nông thành lao động sản xuất phi NN. Sản xuất NN hiện nay vẫn mang tính cha truyền con nối, không được đào tạo bài bản. Để có "người nông dân hiện đại", chúng ta phải đào tạo những người sản xuất NN chuyên sâu và biết kinh doanh nông sản, biết tính toán trồng cây gì, nuôi con gì có lợi nhất trước mắt và lâu dài, biết áp dụng KHKT vào sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.