Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải hoàn thành toàn bộ trong tháng 8

Lương Ninh Giang| 05/08/2010 06:13

15/23 tuyến phố đã hoàn thành đồng bộ (HNM) - Ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cận kề cũng là lúc các dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị của thành phố (TP) bước vào giai đoạn nước rút. Đến thời điểm này, hơn 90% khối lượng công việc đã hoàn thành. Nhiều tuyến phố đã trở nên phong quang, sạch đẹp.


Tuy nhiên, công tác thi công tại một vài khu vực, tuyến đường vẫn chưa kịp tiến độ, không bảo đảm chất lượng, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư phải bóc lên làm lại. Khâu cắt đường dây cáp điện trên cao, tháo dỡ cột điện cũ phải khẩn trương hơn để hoàn thành toàn bộ công tác hạ ngầm, chỉnh trang trong tháng 8-2010.

Hoàn thành hạ ngầm, chỉnh trang 15/23 tuyến phố chính


Nút giao thông Phạm Hùng - Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thiện chỉnh trang chào đón Đại lễ.

Để chuẩn bị ngày Đại lễ, ngay từ năm 2009, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Sở GTVT, các Ban QLDA triển khai công tác hạ ngầm đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đô thị. Lần đầu tiên Hà Nội tiến hành hạ ngầm nên quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn nhưng TP vẫn quyết tâm thực hiện để Thủ đô đồng bộ hơn, hiện đại hơn. Cũng vì khó khăn nên ban đầu, TP chỉ lựa chọn 3 tuyến làm thí điểm, đó là khu vực xung quanh Bờ Hồ, tuyến phố Hai Bà Trưng và Điện Biên Phủ. Sự thành công của 3 tuyến này đã tạo tiền đề để nhân rộng triển khai đồng loạt trên 23 tuyến phố chính của Thủ đô từ nguồn vốn ngân sách. Ngoài nguồn vốn này, TP cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Đã có một số doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Đi đầu là 3 đơn vị Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel, Điện lực Hà Nội và Viễn thông Hà Nội.

Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, trong tổng số 23 tuyến phố hạ ngầm kết hợp chỉnh trang, đã hoàn thành đồng bộ 15 tuyến, 8 tuyến khác đang vào giai đoạn cắt dây, tháo dỡ cột điện cũ và hoàn thiện công trình. Với những công trình có khối lượng công việc lớn, phức tạp, TP đã yêu cầu phải hoàn thành trước ngày 20-8 là tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ, Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng… Các tuyến Giảng Võ, Xuân Thủy - Cầu Giấy, đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Cống Chênh đến đường Trần Duy Hưng), Bạch Mai, Trần Hưng Đạo để lại thi công vào năm 2011.

Làm đến đâu phải gọn đến đó


Tại nhiều nơi, vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang (ảnh chụp chiều 4-8 tại phố Lý Thái Tổ).    Ảnh: Đàm Duy

Vào thời điểm đồng hồ đếm ngược đến ngày Đại lễ chỉ còn gần 70 ngày, phóng viên Báo Hànộimới đã liên tục đi ghi nhận thực tế thi công trên nhiều tuyến phố của Thủ đô. Qua đó cho thấy, bên cạnh những tuyến phố đã hoàn thiện đồng bộ, vẫn còn một số khu vực, đoạn tuyến chưa bảo đảm yêu cầu. Khâu cắt dây cáp, hạ cột thực hiện khá chậm. Điển hình như phố Giang Văn Minh (do UBND quận Ba Đình làm chủ đầu tư), nhiều ngày qua, đơn vị thi công đã cào bóc mặt đường nhưng đến ngày 4-8 vẫn chưa thảm lại, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Phố Lý Thái Tổ (dự án do UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư), vỉa hè chưa được lát hoàn chỉnh. Các tuyến phố Phan Đình Phùng, Quán Thánh (do Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư) dù đã xong hạ ngầm và lát hè, hoàn trả mặt đường nhưng trên tuyến vẫn còn rất nhiều cột điện và dây cáp điện, viễn thông…

Giải thích về sự chậm trễ này, đại diện một số ban QLDA cho rằng, các nhà thầu vừa thi công vừa phải bảo đảm giao thông nên đã ảnh hưởng đến tiến độ. Còn theo ông Lê Văn Dục, việc triển khai hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến phố là công việc phức tạp. Hiện có khoảng 20 đơn vị quản lý đường dây, cáp đi nổi nên sự phối hợp thực hiện cắt chuyển nguồn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ chung. Quá trình thi công ống, bể cáp để hạ ngầm gặp nhiều công trình ngầm như cấp nước, cống thoát nước… cũng khiến nhà thầu mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, theo thống kê, ngoài các dự án hạ ngầm, chỉnh trang, trên địa bàn TP có tới 60 công trình xây dựng cơ bản cải tạo đường, cấp nước, cấp điện… triển khai cùng thời điểm. Trong khi đó, năng lực quản lý, thi công của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu đã dẫn tới tiến độ thi công chậm, chất lượng không bảo đảm. Có những dự án đã phải bóc lên làm lại như một số đoạn trên đường Quán Thánh, Tôn Đức Thắng.

Chiều 4-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, để các dự án chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng đô thị kịp hoàn thành phục vụ Đại lễ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, TP đã yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường giám sát, tăng cường nhân lực thi công 3 ca liên tục; chỉ đạo nhà thầu thi công "cuốn chiếu" làm đến đâu gọn đến đó; Sở GTVT chủ động thực hiện ngay việc thảm lại mặt đường, kẻ sơn phân làn, phân luồng giao thông. Thời gian kết thúc việc sửa, cào bóc và thảm lại mặt đường vào ngày 10-8. Để không ảnh hưởng tới việc đi lại và sinh hoạt của người dân, TP kiên quyết không mở rộng các công trình, hạng mục dự án của các đoạn đường, tuyến phố. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thu dọn phế thải, vật tư ở vỉa hè, lòng đường, quét rửa đường sạch sẽ. Toàn bộ công tác hạ ngầm, chỉnh trang đô thị phải hoàn thành trước ngày 20-8.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải hoàn thành toàn bộ trong tháng 8

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.