Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải hỗ trợ đúng đối tượng

Hà Phong| 16/07/2011 07:14

(HNM) - Sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn tất phương án giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong năm 2011, trình tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, khai mạc ngày 21-7 tới. Nếu được thông qua, tổng số thuế miễn giảm năm 2011 và năm 2012 vào khoảng 6.400 tỷ đồng.

Các tổ chức cung ứng suất ăn cho công nhân sẽ được giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng nếu giữ ổn định mức giá ở thời điểm năm 2010. Ảnh: Thu Giang


Nhiều đối tượng hưởng lợi

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân trước những tác động bất lợi từ tình hình lạm phát tăng cao; giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào liên tục gia tăng… ngày 6-4-2011, Chính phủ đã ban hành chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập DN đối với các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, từ nhận định tình hình trong những tháng cuối năm 2011 còn diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã tính đến phương án ban hành bổ sung một số giải pháp giãn, miễn, giảm một số sắc thuế.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp trong năm 2011 đối với các DN thuộc đối tượng được gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập DN năm 2011.

Cơ quan này cũng cho rằng, nhất thiết phải giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN từ quý III đến hết năm 2011 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; các hộ cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Những đối tượng này sẽ chỉ được giảm thuế, nếu giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và cung ứng suất ăn ca ở mức giá thời điểm cuối năm 2010.

Ngoài ra, miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12-2011 đối với cổ tức chia cho cá nhân (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính và các tổ chức tín dụng). Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị miễn thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của các cá nhân với mức 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng. Cơ quan này cũng yêu cầu miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8 đến 31-12-2011 đối với cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có 1 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đến 10,6 triệu đồng/tháng và cá nhân có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đến 12,2 triệu đồng/tháng (nhóm người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1).

Nếu được chấp thuận, tổng số thuế miễn giảm năm 2011 là 4.200 tỷ đồng; năm 2012: 2.200 tỷ đồng; tổng số thuế giãn năm 2011 khoảng 6.900 tỷ đồng (thu vào năm 2012).

Phải thận trọng khi áp dụng

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Trọng Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo ông Nam, cần tính toán kỹ tác động liên quan đến giảm thuế khi áp dụng, đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc các chính sách kích cầu năm 2009 đã từng bị lợi dụng dẫn đến tình trạng kích cầu cho nhà giàu.

Với phương án Bộ Tài chính đưa ra, việc miễn thuế cho nhóm người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 chỉ mang tính động viên chứ không giúp người làm công ăn lương vượt khó. Bởi số thuế được miễn quá ít, chỉ khoảng 50 nghìn đồng.

Mặt khác, đại bộ phận người làm công ăn lương, lao động nghèo hiện không nằm trong diện đóng thuế thu nhập cá nhân. Do đó, cần hơn cả là phải đưa ra phương án hỗ trợ người nghèo đang lao đao trong cơn bão giá hiện nay. Trên thực tế, biện pháp miễn, giảm thuế cho nhóm kinh doanh phòng trọ, giữ trẻ nếu cam kết giữ đúng giá thuê nhà, trông giữ trẻ như cuối năm 2010 để gián tiếp hỗ trợ người lao động không khả thi, dễ phát sinh tiêu cực vì rất khó khăn để kiểm soát vấn đề này.

Việc miễn thuế thu nhập đối với cổ tức, chuyển nhượng chứng khoán, Quốc hội cũng cần xem xét lại. Bởi chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Đã là kinh doanh thì nguyên tắc khi có lợi nhuận phải nộp thuế. Do đó, việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với các lĩnh vực kinh doanh khác.

Về nhóm giải pháp "cứu" DN vừa và nhỏ, trong đó biện pháp chủ đạo là giảm thuế không giải quyết tận gốc những bất cập đang tồn tại hiện nay. Vì khó khăn lớn nhất của DN là thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Do đó, nếu chính sách này được thông qua, sẽ không giúp nhiều cho DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, nếu phương án miễn, giảm thuế được duyệt, các đơn vị chức năng sẽ áp dụng các biện pháp đồng bộ để việc hỗ trợ thuế đến đúng đối tượng. Mặc dù vậy, xét cho cùng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài Chính phủ nên nghiên cứu chuyển sang cơ chế trợ cấp trực tiếp, có như vậy mới hạn chế tối đa tiêu cực. Ngoài những biện pháp cấp bách, cũng nên thúc đẩy tiến độ sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân. Trong đó, nên chăng, cần mạnh dạn đưa mức giảm trừ gia cảnh cho người chịu thuế thu nhập cá nhân mới là 10 lần lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình giá cả ngày càng biến động như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải hỗ trợ đúng đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.