(HNM) - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bàn và thống nhất ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
(Trích phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII)
(HNM) - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bàn và thống nhất ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân huyện Đan Phượng, Hà Nội. |
(…) Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành, Đảng ta đã luôn luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình. Có những lúc chúng ta phải "tự chỉ trích", "đóng cửa" để củng cố, chỉnh đốn Đảng. Chúng ta còn nhớ, tháng 7-1939, trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, trong tác phẩm "Tự chỉ trích", đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi...".
Vấn đề đấu tranh chống những thói hư tật xấu, xây dựng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Năm 1927 Người viết cuốn "Đường kách mệnh", trong đó nêu rõ yêu cầu về tư cách của người cách mạng. Năm 1969 Người viết bài báo cuối cùng "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Người cho rằng, một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm là "một đảng hỏng". Chỉ tính riêng từ khi "Đổi mới" đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, có những lúc Đảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Điều đó thể hiện bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh của một đảng cách mạng chân chính.
Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu cách mạng với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết chúng ta càng cần phát huy truyền thống anh hùng và bản chất tốt đẹp của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thoái hóa, tiêu cực, chăm lo xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển. Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực; đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng ta, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
(…) Điểm mới trong Nghị quyết lần này là đã chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó. Cùng với việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng mà Đại hội XII đề ra, Nghị quyết Trung ương 4 lần này đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trong đó tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết còn nhấn mạnh một nội dung mới là xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cần nhận rõ rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng, với Tổ quốc để thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác.
(…) Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Không phải là "đóng cửa" để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình; kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống"; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc đã được chỉ ra. Phải đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với sự giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; chú trọng phát huy vai trò của báo chí và công luận trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Kết hợp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
(…) Tinh thần của Nghị quyết là phải hành động, hành động thiết thực, rõ hiệu quả; tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm.
(…) Phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra. Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý kỷ luật đối với những nơi làm không tốt. Tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", khi quán triệt, triển khai Nghị quyết thì rầm rộ nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm.
(…) Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng. Bộ Chính trị tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình để không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng; để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự "là đạo đức, là văn minh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.