(HNM) - Hà Nội có thêm 5 di tích quốc gia đặc biệt, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân Thủ đô và cả nước, mà còn là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.
Làm thế nào để những di tích này trường tồn cùng thời gian, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu là vấn đề được các cơ quan chức năng và dư luận đặc biệt quan tâm. PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những vấn đề liên quan.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm là một trong những Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Bá Hoạt |
- Là người dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu về di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về giá trị, ý nghĩa của các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng?
- 5 di tích được công nhận đợt IV cùng với 3 di tích được công nhận trước đó (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Cổ Loa) là biểu hiện cụ thể nhất cho tính chất linh thiêng và hào hoa của đất Thăng Long - Hà Nội; chuyển tải ước vọng ngàn đời của người dân Việt Nam là được sống trong hòa bình, hạnh phúc, phồn vinh. Các di tích này đều gắn với việc thờ tự những người có công với dân, với nước; các sinh hoạt văn hóa tâm linh diễn ra trong không gian di tích đều có ý nghĩa tôn vinh tinh thần đoàn kết cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ chiến lược là chống thiên tai, bảo vệ mùa màng và chống giặc ngoại xâm.
Dưới góc độ văn hóa, chúng ta còn thấy rõ hơn cách thức giáo dục truyền thống yêu nước, quản lý xã hội rất khôn khéo của cha ông ta. Đó là việc xây dựng, sáng tạo hệ thống thiết chế văn hóa để thờ những người có công với dân, với nước, là cách "lịch sử hóa" các sự kiện tự nhiên, "huyền thoại hóa" nhân vật lịch sử, rồi duy trì tổ chức lễ hội tại di tích để nhân dân đời này sang đời khác thấm nhuần đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Nhìn cụ thể hơn nữa, các di tích này chính là những bảo tàng lịch sử, văn hóa sống động của người Việt, là nguồn tài nguyên du lịch vô tận nếu biết cách khai thác hợp lý.
- Theo ông, hệ thống di tích quốc gia đặc biệt này nên được quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị như thế nào cho phù hợp?
- Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cũng là hình thức công nhận giá trị của di tích như cách ông cha ta đã làm, nhưng cách thức quản lý thì đã thay đổi nhiều. Song, dù có thay đổi như thế nào chăng nữa thì cộng đồng vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì thế, để quản lý tốt, phát huy tốt giá trị của di tích, trước hết phải để người dân sống xung quanh di tích được hưởng lợi cả về giá trị vật chất và tinh thần từ di tích. Thứ hai là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị, ý nghĩa của di tích. Thực tế đã chứng minh, khi cộng đồng hiểu đúng về di tích, lễ hội, tất yếu họ sẽ có cách ứng xử đúng. Điều này càng quan trọng đối với hệ thống di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội vì các di tích này đã, đang và sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn.
Công tác tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội nên được triển khai bằng các dự án mang tính liên ngành, như thế thì mới tạo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Chẳng hạn, khi tu bổ, tôn tạo di tích Cổ Loa, chúng ta không thể nhìn nhận di tích này dưới góc độ một di tích đơn lẻ. Cổ Loa là một trong những di sản đô thị, có đình, đền, chùa, có các vòng thành nhưng cũng có dân cư sinh sống từ lâu đời. Khi tiến hành trùng tu, tôn tạo, nếu chúng ta đưa hết dân cư ra khỏi các vòng thành, đắp lại các đoạn tường thành đã mất thì di tích này sẽ chỉ như con đê. Ngược lại, nếu tu bổ, bảo tồn có chọn lọc, giữ lại một cách hợp lý các đoạn tường thành, biến cuộc sống sinh hoạt của người dân thành một loại hình dịch vụ du lịch, giữ lại các giá trị văn hóa phi vật thể, chắc chắn hiệu quả bảo tồn sẽ cao hơn. Để làm được như vậy, riêng ngành văn hóa thì không thể làm được, cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía. Tương tự, bất cứ động thái nào tác động đến đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm không thể không có sự tham gia liên ngành, càng không thể tách rời việc bảo tồn di tích này với công tác bảo tồn khu phố cổ Hà Nội… Nói chung, mỗi di tích đặc biệt ở Hà Nội có những giá trị riêng, không thể áp dụng chung một biện pháp quản lý, tu bổ hay bảo tồn, mà phải linh hoạt đối với từng di tích.
- Thực tế cho thấy, các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội là điểm đến du lịch nhưng các loại hình và sản phẩm lưu niệm vẫn nghèo nàn. Theo ông, chúng ta nên làm gì để các điểm đến này ngày càng hấp dẫn?
- Như tôi đã nói, muốn khai thác du lịch từ hệ thống di tích theo hướng bền vững, trước hết các đơn vị liên quan phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng; trang bị kiến thức làm du lịch cho người dân sống xung quanh di tích để chính họ là những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, góp phần quảng bá di tích. Về lâu dài, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, tìm cách đưa các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thậm chí là nếp sinh hoạt văn hóa thường nhật của người dân địa phương thành sản phẩm du lịch.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.