Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải hài hòa các lợi ích và có lộ trình

Sơn Trà| 23/02/2011 06:37

(HNM) - Trong khi Bộ Giáo dục - Đào tạo còn chưa có kế hoạch hay chỉ đạo chính thức về việc di dời các trường đại học (ĐH), cơ sở giáo dục ra khỏi nội thành Hà Nội, thì dư luận đã xôn xao về thông tin 12 trường đầu tiên phải đăng ký di dời ra ngoại thành Hà Nội trước tháng 8-2011.

Trường ĐH Luật Hà Nội vẫn tiếp tục xây dựng mới khu giảng đường nhà A.


Sinh viên Vũ Dũng (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội): Di dời các trường ra ngoại thành là cần thiết
Đối với sinh viên đang trọ học tại TP Hà Nội, trường ĐH đóng ở đâu không quan trọng. Hằng năm sinh viên ngoại tỉnh đều phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm nhà trọ và gánh chịu chi phí cho giá cả sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố. Nếu trường ĐH chuyển ra địa điểm mới với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ học tập, sinh hoạt, có đủ ký túc xá, nhà thể chất, sinh viên sẽ có điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn. Đặc biệt, giá thực phẩm, lương thực ở ngoại thành thấp hơn nội thành sẽ giúp sinh viên giảm chi phí cho quá trình ăn học.

Sinh viên Phạm Lê Anh (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội): Nên cân nhắc điều kiện giao thông
Hầu hết sinh viên năm thứ ba, thứ tư của trường đều tìm được việc làm thêm ngoài giờ, vừa phụ giúp thêm gia đình chi phí học tập, củng cố kiến thức, nhất là vốn ngoại ngữ, vừa tự xây dựng cho mình cơ hội có việc làm sau này. Nếu phải di dời xa trung tâm kinh tế, thương mại thì cơ hội làm thêm trong thời gian học ĐH và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy, tôi mong muốn trong việc quy hoạch di dời trường ĐH, các cơ quan có trách nhiệm cần cân nhắc đến điều kiện giao thông, sao cho ngoài các giờ học chính khóa ở trường, sinh viên có thể đến các trung tâm văn hóa, thương mại ở trung tâm thành phố tiếp cận, thực hành, tránh bị lạc hậu so với xã hội.

Sinh viên cao học Hoàng Phan Chí Anh (Trường ĐH Y Hà Nội): Cần giữ một phần cơ sở đào tạo trong nội thành
Đối với những người vừa công tác, vừa tham gia các khóa đào tạo nâng cao, chuyên sâu tại các trường ĐH, thì thông tin di dời các trường ĐH ra ngoại thành là cả một mối lo lớn. Trong điều kiện trường ở xa, liệu chúng tôi có còn khả năng vừa học, vừa làm được nữa không? Tôi đề nghị trong kế hoạch di dời các trường, cần có quy hoạch để các trường giữ một phần cơ sở đào tạo, nghiên cứu cho thạc sĩ, tiến sĩ trong nội thành, quy mô tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu đào tạo của từng trường. Với những trường thuộc nhóm xã hội như ĐH Luật, ĐH Ngoại thương, ĐH Văn hóa… cần cho phép sinh viên năm cuối học tại nội thành để có điều kiện thực hành, nâng cao kỹ năng và kiến thức xã hội.

Ông Quảng Trọng Nghĩa (tổ 19, phường Yên Hòa, Cầu Giấy): Di dời các trường chưa chắc đã giảm tải cho đô thị
Nếu nói sinh viên của các trường ĐH là nguyên nhân gây quá tải đô thị, ách tắc giao thông, e rằng còn phiến diện, bởi sinh viên là tầng lớp trí thức, là đại diện của văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, trong khi thành phố còn đang thiếu trầm trọng các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, phổ thông, các trường ĐH lại chật chội, bị hạn chế chất lượng đào tạo, việc di dời các trường ĐH ra ngoại thành với cơ sở vật chất tốt hơn, nhường cơ sở vật chất cũ cho công tác giáo dục, đào tạo các cấp học khác là việc nên làm. Còn nếu di dời trường ĐH, lấy đất để xây dựng trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, thì bài toán ách tắc giao thông, quá tải đô thị và thiếu cơ sở giáo dục trong nội thành vẫn không được giải quyết.

Giảng viên Trần Thùy Dương (phường Láng Trung, quận Đống Đa): Nhiều giáo viên trẻ đã có tâm lý bỏ trường, tìm việc làm khác
Nếu trường di dời xa hơn địa điểm cũ khoảng 20km, rất nhiều giáo viên, cán bộ gặp khó khăn khi thu xếp việc gia đình, sinh hoạt, đi lại. Đặc thù của nghề giáo viên là thời gian đứng lớp không cố định, nên không thể sáng đi, tối về bằng phương tiện của nhà trường. Nghe nói, trong quy hoạch xây dựng trường mới sẽ có cả nơi ở của giáo viên. Tuy nhiên, hầu hết giáo viên đều ở độ tuổi đã có gia đình, chúng tôi đi theo trường, làm sao vợ, chồng, các con đi theo được? Từ khi có thông tin này, lớp giáo viên trẻ đã nảy sinh tâm lý bỏ trường, tìm việc làm khác thuận tiện hơn cho sinh hoạt và chăm lo gia đình. Nếu việc mở rộng chỉ là bổ sung địa điểm cho các trường ĐH để có thêm mặt bằng, tăng quy mô đào tạo, giáo viên có thể luân phiên làm việc tại các cơ sở, sẽ thuận lợi hơn, tránh được tâm lý bất an trong đội ngũ giáo viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải hài hòa các lợi ích và có lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.