(HNM) - Tại cuộc hội thảo
Giải pháp để phát triển bền vững
Mục tiêu của CCTC là nhằm hoàn thiện nền kinh tế quốc dân và nâng cao khả năng ứng phó với thay đổi của nền kinh tế. Các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam có nhiều khả năng thu được lợi ích xã hội từ việc thúc đẩy chất lượng phát triển thông qua nâng cao chất lượng quy định về: an toàn sức khỏe; công bằng xã hội; chất lượng môi trường. Đồng thời, lợi ích từ CCTC cũng có khả năng cao hơn trong những khu vực hoạt động kém hiệu quả và chi phí thể chế cao hơn nên Việt Nam có khả năng thành công trong CCTC cao hơn so với Hàn Quốc và Singapore.
Lợi ích rõ nhất về CCTC trong giai đoạn hiện nay của nước ta là đã tiết kiệm chi phí khoảng 294 triệu USD/năm từ việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính (TTHC) ưu tiên. Bên cạnh đó CCTC tốt sẽ giúp tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm. Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu KHXH Hà Nội), CCTC là vấn đề đã được Việt Nam đề cập đến từ lâu nhưng việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, chúng ta cần sớm cải cách từ trên xuống; thực hiện hài hòa giữa cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Trong đó, cần có đột phá thực sự về cải cách thị trường, đưa quyền lực thực sự vào người tiêu dùng; tạo ra cơ chế cán bộ mà trọng tâm là chống tham nhũng nếu không sẽ vấp phải một "định mệnh" thụt lùi dần về tư cách, đạo đức cán bộ. Ông Phong cho rằng, để CCTC hiệu quả, cần có một đội đặc nhiệm với những "cảm tử quân" thực hiện. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, hiện nay Việt Nam đang đặt CCTC là 1 trong 5 nội dung của cải cách hành chính (CCHC) là đặt sai trọng tâm, làm nó bị "pha loãng" với CCHC. Chính vì vậy nên dù CCTC luôn được xác định là khâu đột phá nhưng "đột" nhiều mà chưa "phá" được bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu không thực hiện CCTC hoặc thực hiện nhưng không đúng cách thì đến năm 2015 chúng ta sẽ vẫn phải tiếp tục bàn về vấn đề này. Ông Cung khẳng định, nếu không gỡ được "nút thắt" thể chế thì không thể đưa quốc gia tiến lên và đuổi kịp các nước phát triển, thậm chí còn tụt hậu xa hơn.
Nâng cao tính minh bạch
Ông Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) nhận định: "Vai trò của Nhà nước là cốt lõi cho CCTC. Không có mô hình CCTC lý tưởng áp dụng chung cho mọi quốc gia, nhưng để tăng trưởng nhanh, sáng tạo và cạnh tranh cần có một hệ thống thể chế chi phí rủi ro thấp và việc tuân thủ luật pháp cao. Trong đó, minh bạch hóa là một nguyên tắc mạnh, có thể thay đổi mọi hoạt động của thị trường. Vì vậy, minh bạch được xem như một cánh cửa sổ cho Việt Nam trong quá trình thực hiện CCTC". CCTC ở nước ta được thể hiện ở việc đã ban hành nhiều văn bản các loại, có đổi mới quy trình ban hành văn bản pháp luật và cải cách TTHC (đơn giản hóa TTHC).
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: chất lượng văn bản không cao (chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa hợp lý, chưa cụ thể, chưa minh bạch và chưa tiên liệu trước được), lại không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật là khâu kém và TTHC vẫn phiền hà, phức tạp. Nước ta thiếu cơ quan có đủ năng lực, thẩm quyền chỉ đạo, điều phối cải cách nên việc thực hiện riêng lẻ, phân tán, mỗi bộ, ngành làm một ít. Đặc biệt là trong CCTC, các bộ, ngành thường lo lợi ích của mình nhiều hơn là lợi ích quốc gia. Trong khi đó, CCTC không chỉ giảm quan liêu giấy tờ thông qua việc rà soát các quy định hiện hành và cải thiện công tác thực thi mà còn nâng cao chất lượng của các quy định mới thông qua việc đánh giá tác động trước khi văn bản được ban hành.
Theo ông Cung, 5 năm tới, CCTC vẫn là khâu đột phá của chiến lược. Song, cần tách CCTC thành một khâu, một lĩnh vực riêng ra khỏi CCHC nói chung và tập trung vào đúng trọng tâm của CCTC là quy trình, công cụ, tiêu chuẩn chất lượng và bộ máy; cơ chế kiểm soát và quản lý chất lượng của pháp luật, chính sách chứ không phải các văn bản pháp luật, chính sách. Đặc biệt, cần thiết lập một cơ cấu tổ chức hợp lý, chọn đúng cơ quan, giao đủ thẩm quyền và công cụ đủ mạnh để "đột phá". Điều quan trọng là đã quyết tâm, phải chuẩn bị kỹ. Khi đã làm thì quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, không lùi bước và cần huy động sự ủng hộ của dư luận xã hội, giới học giả và các nhà tài trợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.