(HNM) - Để hạn chế tình trạng nhập siêu, nhiều biện pháp đã được ngành chức năng sử dụng, trong đó có biện pháp hạn chế nhập một số mặt hàng xa xỉ. Đây là việc làm cần thiết, nhưng chưa đủ vì chưa giải quyết được tận
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 đạt gần 49 tỷ USD, tăng 25,8% so cùng kỳ năm 2010. Các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa "cần thiết phải nhập khẩu" vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2010. Các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa "cần thiết phải kiểm soát nhập khẩu" chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa "cần hạn chế nhập khẩu" chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2010. Song, đáng chú ý là lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi tăng mạnh tới hơn 50% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng mức nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 là 6,65 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2010 và bằng 15,7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, qua thực tế nhập khẩu cho thấy, năng lực sản xuất trong nước yếu và như thế "gốc" nhập siêu càng có cơ hội "bén rễ". Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua ngành chức năng cũng đã có biện pháp "tấn công" vào tận "gốc" để hạn chế "gốc" này bén thêm "rễ", nhưng các biện pháp đó vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Điều này được thể hiện bằng việc đến nay các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nhắm vào nhóm hàng hóa cần hạn chế chỉ tác động mạnh đến tâm lý thị trường và một bộ phận doanh nghiệp hơn là mang lại hiệu quả trong việc cân đối thương mại. Vậy, vấn đề đặt ra, khi kiểm soát nhập khẩu nhóm hàng thiết yếu, ngành chức năng cần chú ý đến yếu tố cung-cầu để tránh gây khan hiếm, tạo ra những "cơn sốt" giá. Bên cạnh đó, cần tăng cường sử dụng các thiết bị sản xuất trong nước thay thiết bị nhập khẩu. Làm được như thế mới hy vọng giảm nhập siêu trong những tháng cuối năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.