LTS - Ngay trước thềm năm mới Nhâm Thìn, để cùng chia sẻ những thành công của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thủ đô, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi cùng PGS-TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du dịch Thành phố.
Đồng chí Giám đốc đã “dốc bầu” tâm sự cùng phóng viên bản báo về nhiều vấn đề và nhấn mạnh đến việc coi văn hóa là nền tảng trong công cuộc xây dựng và phát triển một xã hội bền vững. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
(?) Chào đồng chí Giám đốc. Sau nhiều hoạt động sôi động và có hiệu quả của ngành năm qua, những ngày cuối năm chắc anh bận rộn nhiều hơn?
- Xin chào nhà báo, người bạn của ngành chúng tôi. Cảm ơn về những quan tâm của báo giới. Như anh thấy đấy, nhiều người có thói quen nhìn lại một năm xem mình đã làm được gì và chưa làm được gì. Với tôi, có cả điều vui và những điều chưa vui, thậm chí buồn, day dứt. Vui với những gì đã làm được. Buồn vì những thất bại và day dứt với những điều làm hỏng, sai sót gây hậu quả không tốt, để lại những điều không hay.
(?) Thể thao Hà Nội năm nay được mùa lớn. Anh thấy ở đây có vấn đề gì liên quan tới văn hóa không?
- Có đấy anh ạ, thậm chí rất rõ yếu tố văn hóa, chiều sâu văn hóa trong đầu tư. Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển bền vững. Đây là thành công của đầu tư thấm đẫm chất văn hóa. Ở những môn đạt thành tích cao trong kỳ Seagames này có nhiều môn sẽ thi đấu trong Olimpic như điền kinh, kiếm, đua thuyền, thể dục dụng cụ, vật... Như vậy, có thể nói, Hà Nội đang đi đúng hướng và những đầu tư đã có hiệu quả. Ở đây có hiệu quả của cơ sở vật chất nhưng cái chính vẫn là con người, ở cách thức làm cho những tiềm lực ấy trở thành sức mạnh nội sinh, thành sản phẩm có thể đo đếm được. Lãnh đạo thành phố đã đầu tư cho ngành một cơ ngơi có thể nói là đứng vào hàng đầu của Đông Nam Á, đã tạo những cơ chế để ngành khai thác những lợi thế, tiềm năng, biến nó thành những tấm huy chương mà chúng tôi gọi là vàng mười, vàng ròng của thể thao nước nhà. Không biết anh nghĩ thế nào chứ tôi thấy vận động viên của mình dù ngã trên đường đua mà vẫn cố gượng dậy, bò về đích, biết vượt qua những áp lực tâm lý nặng nề của ngoại cảnh để chiến thắng vì đất nước...là những bằng chứng sinh động về sức mạnh văn hóa, về giá trị văn hóa đang được khơi dậy.
Những gương mặt sáng giá của thể thao Hà Nội. |
(?) Tôi hỏi “trái khoáy” một chút: thế nhưng chúng ta vẫn thất bại ở những môn thể thao vua hoặc có tầm ảnh hưởng lớn như bóng đá, bóng chuyền...chẳng hạn. Ở chỗ này có gì thiếu hụt của văn hóa chăng?
- Đúng là có yếu tố văn hóa đấy. Thất bại không bất ngờ vì đầu tư thiếu chiều sâu, thiếu cái gốc của bền vững thì dù ở lĩnh vực nào cũng thế thôi. Các cụ dạy rồi, giản dị nhưng sâu sắc, gieo nhân gì, gặt quả nấy. Không thể hành xử theo kiểu “ăn xổi ở thì”, dễ dãi mà lại mong chờ kết quả tốt lành.
(?) Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Những điều này không mới, thế tại sao gần như biết trước cả mà vẫn không tránh được?
- Biết trước một điều nào đó vẫn chưa phải là đảm bảo cho việc đó thành công. Biết là một chuyện còn có làm được hay không lại là chuyện khác.
(?) Lại đồng ý với anh thêm một điều nữa. Nhưng, anh nghĩ sao về chuyện kinh tế thủ đô phát triển vào loại đầu tàu của cả nước mà văn hóa thủ đô vẫn cứ luôn bị chê là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng? Lỗi ở đâu?
- Tôi không đủ năng lực để cắt nghĩa đầy đủ vấn đề này. Nhưng, tôi cho rằng có lý do chưa nhận thức đầy đủ mối quan hệ đa chiều giữa văn hóa với đời sống kinh tế và những vấn đề xã hội. Nhìn rộng ra có thể thấy rất rõ nếu một quốc gia nào đó khi xây dựng đất nước mà chỉ chăm chú vào phát triển kinh tế mà xem nhẹ vai trò của văn hóa sẽ bị trả giá ngay nhỡn tiền. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội ở Tây Âu mấy năm nay, những thay đổi ở vùng Trung Đông hay châu Phi gần đây cũng đều có nguyên nhân từ chỗ giải quyết không thỏa đáng những vấn đề của văn hóa. Nhận thức được điều đó đã khó nhưng để giải quyết được thỏa đáng mối quan hệ ấy lại càng khó hơn. Tiềm năng văn hóa của Thủ đô không phải chỉ ở những giá trị truyền thống, truyền thống chỉ là một phần, dù rất quý của đời sống hôm nay mà sức mạnh của văn hóa thủ đô còn có rất nhiều ở những con người, những giá trị của ngày hôm nay. Chúng ta chưa khai thác hết cả yếu tố truyền thống, cả những giá trị đương đại, chưa thành công trong việc biến những giá trị ấy trở thành sức mạnh nội sinh để góp phần làm giàu cho đất nước có lỗi của những người làm nghề nhưng cái chính là lỗi của quản lý xã hội, của cả hệ thống.
(?) Lại là chuyện lỗi của tập thể, của cơ chế chứ không phải của riêng ai chăng?
- Đúng là lỗi hệ thống và lỗi của những người làm nghề. Ví dụ nhé: gần đây báo chí nói nhiều về nạn sinh viên đào tạo ra không kiếm được việc làm, chất lượng đào tạo kém... Cái đó có lỗi của ngành giáo dục nhưng không nên chỉ đổ cho giáo dục. Tại sao không truy vấn đề từ gốc? Mở quá nhiều trường đại học khi mà cơ sở vật chất thiếu, đội ngũ giáo viên thiếu, chương trình lạc hậu, tổ chức đào tạo kém, hầu như mọi người dân chỉ muốn tìm mọi cách cho con em mình vào đại học...Nạn mua bán bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng...có nguyên nhân từ cách thức xã hội đuổi theo những giá trị ảo, giá trị giả, giá trị vật chất không đúng làm cho tình trạng loạn giá trị của xã hội trở nên trầm trọng. Những cái đó có phải chỉ là lỗi của riêng một ngành nào không?
(?) Những cái đó nói nhiều rồi, xã hội biết cả rồi. Vấn đề là gỡ cái mối bòng bong đó thế nào?
- Không có một ngành nào, một tổ chức xã hội nào đủ sức “gỡ” được cái mớ bòng bong này mà phải là toàn xã hội, là sự tham gia của mọi người. Tôi lại lấy ví dụ từ một việc ai cũng thấy là tình trạng hỗn loạn trong giao thông hiện nay không thể chỉ dựa vào việc cải tiến của riêng ngành giao thông. Nó đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều giải pháp nhưng đầu tiên vẫn là ở mỗi người. Nếu tất cả mọi người ra đường đều tuân thủ luật giao thông, có ý thức giữ mình theo đúng các quy định và đi lại theo kiểu “vừa mắt ta, ra mắt người” thôi thì tính trạng mạnh ai nấy đi, bất chấp luật lệ, đạo lý sẽ được cải thiện rất nhiều. Tôi thấy Giacacta kẹt xe khủng khiếp, hơn Hà Nội nhiều nhưng hầu như không thấy chuyện chen lấn, mạnh ai nấy đi. Giá người đi đường ở ta giàu lòng tự trọng hơn, tình trạng giao thông sẽ tốt hơn hẳn, tôi tin như thế.
(?) Tôi muốn anh đừng quá vụ cái cụ thể nữa mà hãy nói cái gì đó đại loại như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững ở thủ đô.
- Từ cái cụ thể dễ nói hơn. Từ lâu, văn hóa đã được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững. Đó là nguyên lý. Nhưng để biến những lý thuyết ấy thành cuộc sống đòi hỏi tầm nhìn ở những chính sách đúng, những người thực thi chính sách hiệu quả. Anh cứ nhìn vào tấm gương Nhật Bản mà xem. Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển nhưng cái chất Nhật Bản vẫn hết sức đậm nét trong xã hội của họ. Cách ứng xử đầy tinh thần nhân văn của người Nhật trong tai nạn khủng khiếp do sóng thần vừa qua đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ, cảm phục. Phẩm chất ấy không phải chỉ ở những nét đẹp truyền thống mà còn kết tinh cả những phẩm chất của đời sống xã hội hiện đại. Trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần tự tôn dân tộc, liêm sỉ trước đồng loại là những yếu tố làm nên nhân cách văn hóa ấy. Điều này không phải ngày một, ngày hai là có được. Tôi ngưỡng mộ điều này còn do đó không chỉ là phẩm chất của một số người mà của cả xã hội. Làm được điều ấy là một kỳ tích. Thời chiến tranh, người ta ngưỡng mộ nhân cách người Việt ở tinh thần xả thân vì sự nghiệp thống nhất đất nước, ở thái độ vì nước quên thân. Ước gì tinh thần ấy lại trở lại với dân tộc mình trong công cuộc xây dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(?) Anh có tin rằng tinh thần ấy sẽ trở lại?
- Tôi tin chứ. Một đất nước cũng giống như một đời người. Có lúc khó khăn, có lúc hanh thông. Khi đã nhận thức ra vấn đề, người ta sẽ tìm ra cách để vượt thoát hoàn cảnh. Ý chí con người là sức mạnh cực to lớn. Nó là sức mạnh nội sinh. Cái đích dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh đã được xác định. Vấn đề là chúng ta đi theo cách nào để sớm đến cái đích đó. Nếu tinh thần đó sớm trở lại thì con đường đi đến hạnh phúc sẽ nhanh hơn. Hà Nội có nhiều lợi thế để đến đích sớm trong cuộc phấn đấu này. Tôi tin như vậy.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này. Chúc anh và ngành VH-TT-DL Thủ đô gặt hái nhiều thành công mới nhân dịp năm mới, góp phần tích cực trong sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Hà Nội thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.