Tiếp nhận bệnh nhi bị tai nạn dập não, liên tục ộc ra máu tưởng sẽ chết trên bàn chụp phim. Dù gia đình không có tiền đóng viện phí, nhưng các bác sĩ vẫn hết lòng cứu sống em.
Các y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), ngày ngày phải đối mặt với những tình huống hết sức cam go để giành giật sự sống cho các bệnh nhân nghèo.
Ca bệnh hiếm gặp
PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ai đã bước chân vào ngành y cũng phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng. BS Trường từng gặp bệnh nhân nhập viện bị ộc máu liên tục. Có người đang đứng nói chuyện, máu trong miệng, mũi ộc ra, sau vài giây thì tử vong.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bé trai 13 tuổi tên Nguyễn Trọng Phúc trong tình trạng ộc máu dữ dội. Các BS nhận thấy tình trạng của em khá phức tạp, việc chẩn đoán tìm ra bệnh và chi phí điều trị tốn kém. Mỗi lần chụp mạch máu kỹ thuật cao chi phí lên đến 10 triệu đồng.
BS Trường đang kiểm tra các hình ảnh chụp mạch máu của bệnh nhân. Ảnh: Khánh Trung. |
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, không có tiền đóng viện phí, cha mẹ em ngập ngừng định đưa con quê... chờ chết. Nhận được thông tin, BS Trường lập tức chỉ đạo cấp dưới “phải cứu sống bệnh nhân trước đã, tiền bạc để mai tính”.
Cũng nhờ câu nói đầy trách nhiệm, tình người ấy mà sau 20 ngày điều trị, Phúc đã hết ộc máu, thể trạng em dần dần bình phục. Theo các BS chuyên khoa, bệnh của Phúc rất hiếm gặp.
Người nhà cho biết, trước đó, Phúc bị tai nạn giao thông, được theo dõi tại bệnh viện Bình Dương 13 ngày trong tình trạng sưng nề một bên mắt, có chảy máu mũi. Sau khi em ra viện được 4 ngày thì đột ngột chảy máu mũi rất nhiều nên lại phải nhập viện.
Ngày 6/2, Phúc được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. BS Hoàng Bá Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, cho biết mỗi ngày, lượng máu bệnh nhân chảy ra tính bằng lít. Các BS phân vân không biết nguyên nhân chảy máu từ một chấn thương trong dạ dày hay trong mũi.
Sau khi chụp DSA (chụp mạch máu kỹ thuật cao) lần đầu, các BS không thấy rõ điểm chảy máu, nội soi dạ dày không phát hiện tổn thương. Trong khi bệnh nhân vẫn chảy máu và ói không ngừng.
Sau khi hội chẩn liên khoa chẩn đoán hình ảnh, ngoại thần kinh, tai mũi họng, các bác sĩ lên phương án chụp lại DSA, nếu phát hiện tổn thương động mạch sẽ xử lý tại chỗ, nếu không tìm ra nguyên nhân sẽ đưa lên phòng mổ. Với tình trạng này, nếu phải phẫu thuật, bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ, liệt nửa người hoặc mù mắt.
BS Lê Văn Phước, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, để giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân, quyết định cho bệnh nhân chụp lại DSA. Lần này, các BS đã phát hiện có một túi phình kích thước 3 mm nằm trên một nhánh mạch máu từ động mạch não trước, khiến mạch máu bị rò rỉ.
Thông thường, nhánh mạch máu này sẽ tự tiêu biến trong quá trình phát triển của thai nhi, nhưng đây là một trong những trường hợp tồn tại hiếm gặp. Các BS đã xử lý điểm phình bằng cách đưa sợi chỉ kim loại (y khoa) vào chặn chỗ rò rỉ của mạch máu. Sau khi điều trị bằng phương pháp này, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, thoát chết trong gang tất.
Gọi điện hỏi thăm, bệnh nhân tưởng BS đòi nợ
BS Trường, cho biết, chảy máu mũi lượng lớn sau chấn thương rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ. Từ những trường hợp như thế, Bệnh viện đã có quyết định mỗi khi bệnh nhân chảy máu lần 2 là phải đưa đi chụp mạch máu DSA.
"Bệnh viện Chợ Rẫy tự đưa ra quy định này và áp dụng khá hiệu quả. Đến nay đã có 2-3 trường hợp được cứu sống nhờ phương pháp chụp DSA. Chúng tôi chủ trương, nếu có thể cứu sống bệnh nhân thì chi phí tốn kém đến mấy cũng phải làm. Bệnh nhân không có tiền thì phòng công tác xã hội của bệnh viện sẽ vận động tài trợ từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm” - BSTrường khẳng định.
BS Hoàng Bá Dũng -Trưởng Khoa Tai Mũi Họng dặn dò bệnh nhân Phúc trước lúc em xuất viện. Ảnh: Khánh Trung. |
Có mặt tại bệnh viện, anh Hoàng - cha bệnh nhân Phúc cho biết, gia đình vô cùng khó khăn. Cả nhà phải dắt díu nhau từ An Giang lên Bình Dương mưu sinh. Vợ chồng có 4 người con, anh làm công nhân một xưởng gỗ, vợ anh đi bán bún kiếm sống.
Trước khi bé Phúc gặp nạn, vợ anh vừa phải phẫu thuật lấy u xơ tử cung hết hơn 40 triệu đồng. Gia đình đã cạn kiệt tiền bạc nên vô cùng lo lắng khi biết chi phí điều trị cho bé Phúc lên đến 80 triệu đồng. "May nhờ các BS tận tâm cứu chữa, đặt sức khỏe tính mạng của bệnh nhân lên trên tất cả", anh Hoàng bộc bạch.
Anh Lê Minh Hiển - Trưởng đơn vị Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị hiện đang kêu gọi hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân này.
Hơn một tháng trước, có một ca bệnh ở miền Tây bị bệnh viện địa phương trả về chờ chết. Nhưng đưa về, thấy bệnh nhân còn thoi thóp, người nhà đã thuê xe chở lên Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị.
Bệnh nhân phải chụp hình ảnh mạch máu, mỗi lần chụp chi phí khoảng 10 triệu đồng. Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân hết sức khó khăn, không có tiền chi trả.
“Nhưng bỏ hết vấn đề tiền bạc sang một bên, chúng tôi quyết định đưa bệnh nhân vào phòng chụp DSA, phát hiện anh bị tổn thương mạch máu. Các BS lên phương án điều trị và cứu sống được bệnh nhân”, BSTrường nhớ lại.
Ngày xuất viện bệnh nhân còn nợ lại bệnh viện 100 triệu đồng. Nhưng biết rõ hoàn cảnh bệnh nhân không có khả năng chi trả, các BS để gia đình đưa anh về.
"Đến ngày tái khám, không thấy bệnh nhân quay lại, BS gọi điện hỏi thăm. Khi nghe máy, bệnh nhân hoản hốt tưởng BS đòi nợ", giọng BS Trường trùng xuống khi kể lại câu chuyện về gia cảnh nghèo khó của bệnh nhân.
Sáng 23/2, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trao Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện Chợ Rẫy đối với ngành y. Bà cũng khuyến khích đơn vị phát huy tính hiệu quả trong hoạt động khám chữa bệnh, ghép tạng, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới… Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đón nhận những phần thưởng cao quý như Huân chương lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011 và 2013), Huân chương độc lập hạng Hai (2010), Huân chương độc lập hạng Ba (2005), Anh hùng lao động thời kì đổi mới (2000), Cờ thi đua Chính phủ (2003 và 2005),... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.