Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải coi đó là hành vi phá hoại nền nông nghiệp!

Ngọc Quỳnh| 14/09/2015 06:27

(HNM) - Hiện nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng tăng ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. Việc làm này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây rối loạn thị trường.


Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài về giá cả cũng như chất lượng.

Trung ương chỉ biết thông tin qua báo chí!

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra (Bộ NN&PTNT), đoàn thanh tra của Bộ đã làm việc với TP Hồ Chí Minh, phát hiện 31 mẫu/51 lô kiểm tra dương tính với chất Salbutamol (chất tạo nạc) hàm lượng cao, từ 80 đến 1.300ml. Còn tại tỉnh Đồng Nai, tình hình sử dụng chất cấm đang diễn biến rất phức tạp, đoàn đã kiểm tra 14 trang trại và phát hiện dương tính với chất cấm. Ngoài ra, đoàn đã kiểm tra thức ăn chăn nuôi của một số công ty ở Đồng Nai phát hiện sử dụng chất cấm trong thức ăn bổ sung với hàm lượng cao tới 3.160ml (trong khi chỉ tiêu chỉ cho phép 50ml).

Hành vi sử dụng chất cấm chủ yếu diễn ra ở những trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 100 đến 200 lợn) chất lượng con giống kém, đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng, nhằm thu lợi bất chính. Một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua lợn đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Lợn sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 đến 30 ngày sẽ tăng trọng từ 20 đến 30kg, đạt trọng lượng khoảng 130-140kg. Trừ chi phí, những người vi phạm sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng so với không sử dụng chất cấm.

Xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm là việc làm cần thiết để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.


Còn theo Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt, một số kiểm dịch viên chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình kiểm dịch lợn, không kiểm soát được nguồn gốc lợn xuất xứ ở đâu, điều này tạo kẽ hở cho lợn sử dụng chất cấm vẫn "lọt khe" kiểm dịch. Công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi còn hạn chế, nên người sản xuất và thương lái vì lợi nhuận vẫn bất chấp mọi thủ đoạn, trong khi đó người tiêu dùng quá dễ dàng trong việc mua thực phẩm mà không cần biết nguồn gốc xuất xứ. Việc trao đổi thông tin, báo cáo của các đơn vị chức năng ở các địa phương còn chậm, sự vào cuộc để truy xuất nguồn gốc là chưa quyết liệt. Các địa phương cũng không báo cáo cấp trên, Bộ NN&PTNT chủ yếu nắm thông tin vi phạm qua các phương tiện truyền thông. Đối với các công ty chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi chưa nhận thức và làm hết trách nhiệm trong kiểm soát sản phẩm đưa ra thị trường.

Tăng cường công tác kiểm tra xử phạt

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, vẫn có tình trạng thương lái ép người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm để tỷ lệ thịt nạc cao, tăng độ hấp dẫn cho thực phẩm. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra lấy nước tiểu bằng elisa có tỷ lệ kết quả dương tính giả rất nhiều. Vì vậy, Bộ đang nghiên cứu sử dụng que thử nhanh vào thịt, nước tiểu để phát hiện sớm các chất cấm. Ông Dương cũng cho rằng, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc kiểm tra các loại thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngay từ khi nhập vào Việt Nam, nhất là những cửa hàng bán thuốc, thức ăn nhỏ lẻ trên địa phương mình quản lý.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để chấn chỉnh việc này, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành Chăn nuôi Việt Nam. Cần phải thông báo kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm.

Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức, phá hoại sản xuất phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay. Do đó, dư luận đề nghị các cơ quan cần phải xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nếu nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương.

Hà Nội sẽ tổng kiểm tra trong tháng 9

Theo ông Đỗ Phú Sơn - Phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, thông tin sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam khiến cho tình hình tiêu thụ lợn ở khu vực miền Bắc đang chững lại và giá giảm 2.000-3.000 đồng/kg. Mặc dù, trong năm 2014, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ở khu vực Hà Nội nhưng chưa thấy có tình trạng người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe và không gây hoang mang trong dư luận cũng như ảnh hưởng tới người chăn nuôi chân chính, cuối tháng 9-2015 Chi cục Thú y Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm về chất cấm trong gia súc, gia cầm và sẽ có thông tin chính thức.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải coi đó là hành vi phá hoại nền nông nghiệp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.