Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có quy chế chặt chẽ, công bằng

Minh Thúy| 10/07/2012 07:34

(HNM) - Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ cho Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu, lập đề án khung về đề xuất cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ.


Trước hàng loạt những "dư chấn" xảy ra trong giới văn nghệ sĩ thời gian qua thì động thái này được nhiều người đánh giá là việc làm cần thiết nhằm thắt chặt kỷ cương, đưa hoạt động biểu diễn vào khuôn phép mới. Song, để thực hiện được điều này không hề đơn giản…


Bà Lê Anh Quang (Công ty Toshiba Việt Nam): Phải có chuẩn mực để xác định giới hạn

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ vì chắc chắn điều này sẽ đưa hoạt động biểu diễn vào quy củ. Điều khiến tôi quan tâm là tại sao ngày càng xuất hiện những nghệ sĩ thiếu hụt trên nhiều phương diện cả về văn hóa sống, văn hóa nghề… Sự tự mài bóng mình bằng những phát ngôn, việc làm không bình thường, trái văn hóa truyền thống của một bộ phận ca sĩ, diễn viên, người mẫu vẫn có "đất sống" chứng tỏ rằng một bộ phận người hâm mộ vẫn có thể dung nạp, "tiêu hóa sản phẩm" của những nghệ sĩ ấy… Ở góc độ này, tôi cho rằng môi trường văn hóa nói chung đang trở nên lộn xộn, sự tinh túy trong nghệ thuật ngày càng phai nhạt, một bộ phận người dân không xác định được giá trị thật trong nghệ thuật hoặc hiểu nghệ thuật một cách "quá bình dân"... Do vậy, hoạt động biểu diễn cần phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ hơn. Người biểu diễn văn hóa cũng là người tuyên truyền văn hóa, vì thế phải có một chuẩn mực để xác định giới hạn. Nhưng chuẩn mực ra sao, điều kiện thế nào thì được cấp thẻ là điều phải nhìn nhận một cách khoa học và gắn với thực tiễn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lấy ý kiến rộng rãi với chính những người dự kiến là đối tượng cấp thẻ để việc đề ra quy chế được đầy đủ, chặt chẽ và công bằng.

Ông Chu Hữu Thoa (phường Đồng Tâm,quận Hai Bà Trưng):Cấp thẻ hành nghề thôi chưa đủ…


Tôi cho rằng phần lớn những người hoạt động nghệ thuật chân chính sẽ ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề vì đó cũng chính là cách để họ khẳng định thương hiệu của mình. Song, nhiều người cho rằng việc cấp thẻ dễ nảy sinh tiêu cực và rất khó rành mạch các điều kiện, tiêu chuẩn cấp thẻ… Điều này là đúng nhưng không thể vì thế mà không cấp thẻ. Việc quản lý phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của con người, nếu xây dựng được đội ngũ cán bộ không quan liêu, không tư lợi thì sẽ làm được đến đích… Điều này cho thấy, giữa các cơ quan quản lý về văn hóa phải có sự kiểm tra, giám sát để triệt tiêu yếu tố tiêu cực khi cấp thẻ. Mặt khác, ngoài việc cấp thẻ, các cơ quan chức năng ngành văn hóa cũng cần phải bổ sung thêm các biện pháp quản lý mới, đồng bộ (đặc biệt chú trọng hình thức phạt bằng tiền) thì việc cấp thẻ hành nghề mới thật sự có ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Mai (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng):Cần xây dựng thống nhất quy chuẩn về hoạt động biểu diễn

Thẻ hành nghề là sự khẳng định tính chuyên nghiệp, do vậy đòi hỏi đơn vị có thẩm quyền cấp thẻ phải có trình độ, sự công tâm, khách quan và tuân thủ những điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt… Nếu không đạt được điều này, việc cấp thẻ sẽ nảy sinh tiêu cực với kiểu xin - cho và về lâu dài sẽ gây tác hại khó lường cho các hoạt động văn hóa. Để tránh hiện tượng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xây dựng quy chuẩn cho những hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác nhau, quy chuẩn đó phải có tầm nhìn sâu, rộng. Những nhốn nháo, lộn xộn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật gần đây đang rất cần "thuốc" chữa, song không phải vì thế mà chúng ta cho ra đời những quy chuẩn, tiêu chí khập khiễng, chắp vá, cơ quan quản lý cần có thời gian và sự đầu tư, tìm tòi nghiêm túc cho đề xuất này. Nếu làm tốt, cả cộng đồng sẽ đều được hưởng rất nhiều lợi ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có quy chế chặt chẽ, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.