Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có chế tài mạnh

Đình Hiệp| 20/08/2011 07:12

(HNM) - TP Hồ Chí Minh tiếp tục phải đối mặt với áp lực về quá tải giao thông.



Nếu như trước đây tắc đường thường xảy ra vào giờ cao điểm và ở một số tuyến đường lớn thì giờ đây tình trạng này diễn ra "như cơm bữa" và người tham gia giao thông không có cách nào khác phải chấp nhận "sống chung với ùn tắc". Thống kê của Phòng CSGT cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hơn 20 vụ ùn tắc giao thông kéo dài từ 30 phút trở lên, trong đó có 10 vụ kéo dài tới hơn ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh phần nào nạn ùn tắc giao thông hiện nay.

Có thể chỉ ra hàng loạt "điểm đen" về tắc đường như ở các quận trung tâm, quận 6, 12, Gò Vấp, những khu vực ra vào sân bay, bến xe như giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Ðình Giót… Đặc biệt, cửa ngõ ra vào thành phố vẫn là những điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất, như cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13... Theo thống kê của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh - người đang thực hiện Đề án Cải tiến hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP Hồ Chí Minh), hiện thành phố có tới 95 điểm dễ tắc nghẽn giao thông, hệ số ùn tắc giao thông ở đây vượt mức cho phép từ 11 đến 23 lần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như do đường bị đào bới (để xây dựng các công trình ngầm), do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, do mưa, triều cường gây ngập... Từ đầu năm 2011 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và đăng ký mới 194.366 hồ sơ xe cơ giới (trong đó có 13.998 xe ô tô), tổng số phương tiện đang quản lý là 5.176.298 phương tiện (trong đó có 4.754.987 xe mô tô, xe gắn máy). Một nguyên nhân nữa là vấn đề xây dựng và quản lý đô thị. Thành phố có tới 4.306 nút giao thông, nhưng chỉ có 16 nút khác mức (có cầu vượt), thực trạng này đã làm hạn chế việc lưu thông. Song nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông.

Giải quyết 117 dự án trọng điểm

Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra không ít chương trình, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn và chống ùn tắc giao thông, trong đó có Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND 14-5-2011 của UBND TP về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, TP sẽ tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông, phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng và nâng cao ý thức người đi đường; đồng thời huy động nguồn vốn xây dựng đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh như bến xe, bãi đậu xe... Đối với việc khắc phục "điểm đen" về tai nạn và ùn tắc giao thông, TP bố trí 30 tỷ đồng hằng năm để giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên, tại hội nghị bàn về chương trình chống ùn tắc giao thông trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng: "Việc thực hiện Quyết định số 25 vẫn dậm chân tại chỗ. Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, trước mắt TP cần khắc phục tình trạng "tắc thủ tục hành chính" trong các sở, ban ngành hiện nay". Lãnh đạo TP cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối, nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tập trung giải quyết 117 dự án trọng điểm (gồm đường xuyên tâm TP Hồ Chí Minh, các trục đường kết nối các khu đô thị vệ tinh…).

Giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông là chuyện không đơn giản bởi nó còn liên quan đến quyền lợi và thói quen của nhiều người. Do vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng thì ý thức của người tham gia giao thông cũng phải được nâng cao bằng việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp áp dụng chế tài mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có chế tài mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.