Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có câu trả lời thỏa đáng

Nhóm phóng viên PSĐT| 05/11/2013 05:49

(HNM) - Mở bán từ tháng 10-2012, Dự án công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (Cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội) đã gây



Chủ đầu tư, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, đã giảm giá căn hộ xuống còn 10 triệu đồng/m2 đã tạo cơ hội hiếm có cho người mua. Hàng nghìn căn hộ đã được bán chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao căn hộ, đóng tiền đợt cuối, đầu tháng 10-2013, giữa khách hàng và chủ đầu tư đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, thậm chí đã có xô xát khiến dư luận bức xúc...

Khu chung cư Đại Thanh.


Bức xúc của người dân

Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng và chủ đầu tư, đại diện Ban cư dân Đại Thanh trình bày những bức xúc của gần 300 chủ hộ thuộc tòa nhà CT8 và CT10 khu đô thị mới Đại Thanh. Theo đó, trong hợp đồng mua bán, cách tính diện tích của chủ đầu tư không thống nhất và sai luật định. Cụ thể, diện tích căn hộ của nhóm khách hàng này trong hợp đồng được tính từ tim đối với tường chung giữa các căn hộ, tính phủ bì đối với tường bao ngoài, cột, hộp kỹ thuật và tường chịu lực. Điều này hoàn toàn trái cách tính diện tích căn hộ tại Khoản 2, Điều 21 Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1-9-2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 71/2010/NĐ-CP: "Diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ". Với cách tính này, mỗi căn hộ bị vênh khoảng 3-5m2 so với thực tế. Thêm nữa, theo Nghị định 92/2013/NĐ-CP ký ngày 13-8-2013 của Chính phủ, việc điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 5% (giảm 50% thuế VAT) đối với các hợp đồng thương mại có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tại khoản 1 điều 5 của Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 8-12-2008 cũng nêu rõ: "Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền". Đối chiếu với nghị định này thì những người dân mua căn hộ CT8 và CT10 khu đô thị mới Đại Thanh sẽ thuộc diện được điều chỉnh thuế VAT đối với toàn bộ giá trị hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, trong thông báo của doanh nghiệp, không có phần giảm trừ VAT này (?). Thậm chí, khách hàng yêu cầu xuất hóa đơn VAT thì doanh nghiệp luôn lấy lý do "bận, chưa xuất hóa đơn được".

Một bức xúc nữa mà người dân gặp phải khi mua căn hộ dự án Đại Thanh, đó là việc chủ đầu tư tiến hành thu phí đối với việc lắp đặt trần thạch cao, sàn gỗ, vệ sinh, phế thải xây dựng. Cụ thể, với việc lắp đặt trần thạch cao, sàn gỗ, Ban quản lý sẽ tiến hành thu tiền vệ sinh, thang máy là 500.000 đồng/căn hộ. Với phế thải xây dựng do phá dỡ, sửa chữa nhà khi được phép của chủ đầu tư, Ban quản lý sẽ thu tiền vệ sinh và thang máy là 2 triệu đồng/căn hộ. Phế thải xây dựng gia đình tự chuyển ra ngoài khu đô thị…

Giải quyết bằng xô xát và đe dọa?

Theo anh Nguyễn Đức H., đại diện Ban cư dân Đại Thanh, sau hơn 10 ngày gửi đơn đến chủ đầu tư không có hồi âm, ngày 19-10-2013, người dân tiến hành đòi quyền lợi công khai với doanh nghiệp bên ngoài sàn giao dịch BĐS Đại Thanh, tại khách sạn Mường Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội). Thế nhưng, cư dân không nhận được thái độ hợp tác của chủ đầu tư. Một tuần sau, ngày 26-10, người dân mua nhà tiếp tục kéo đến đòi quyền lợi. Không những chủ đầu tư bất hợp tác mà vụ việc còn bị đẩy lên đỉnh điểm khi xảy ra xô xát bên ngoài sàn giao dịch BĐS.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, anh H. bức xúc nói: "Tôi và chị Nguyễn Thị Thu Hằng cùng đoàn người đang đứng ngay ngắn đòi quyền lợi, bất ngờ có một nhóm người dữ tợn đi xe Jeep đến, đem theo chó dữ, lượn lờ thị uy và đe dọa tấn công bằng vũ lực. Ngay lúc đó, một đối tượng khác đấm vào mặt chị Hằng. Cú đấm mạnh khiến chị bị "vỡ" trán chảy nhiều máu và choáng". Thậm chí, một số phóng viên đến tác nghiệp cũng bị hành hung. Theo phóng viên Trần Văn Kháng, Ban xã hội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, vào khoảng 9h ngày 26-10, khi đang tác nghiệp trước sàn giao dịch BĐS Đại Thanh, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, bất ngờ có 2 nam thanh niên hung hãn tiến đến, vừa lôi vừa bóp cổ anh Kháng kéo vào gara sửa xe ô tô bên cạnh sàn giao dịch. Tại đây, anh Kháng bị chất vấn với lời lẽ côn đồ: "Mày là ai, là nhà báo hay là dân…" và bị cưỡng đoạt luôn chiếc thẻ nhớ trong máy ảnh. Chiều 4-11, trao đổi với chúng tôi, phóng viên Trần Văn Kháng cho biết, thẻ nhớ máy ảnh vẫn chưa được nhóm người này trả lại. Tuy nhiên, phía Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã có "nhã ý" thông qua trung gian bồi thường số tiền 2 triệu đồng, gọi là tiền mua lại thẻ nhớ (!?). Anh Kháng đã chấp nhận lời đề nghị này.

Không chỉ có phóng viên Trần Văn Kháng bị hành hung mà rất nhiều người dân khác cũng bị côn đồ rượt đuổi và tấn công bằng bình xịt sơn. Anh Nguyễn Đức H. ở tòa nhà CT8A, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Người dân mua nhà dự án chung cư Đại Thanh đến đây với mục đích đề nghị sàn giao dịch đáp ứng quyền lợi như trong hợp đồng thỏa thuận. Việc làm này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Nhưng cách hành xử của chủ đầu tư thì không chấp nhận được".

Văn bản trả lời không thỏa đáng

Chiều 4-11, phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, để tìm câu trả lời. Ông Thản đi vắng và ủy quyền cho ông Sơn, Phó giám đốc doanh nghiệp tiếp. Thế nhưng, khi đến nơi, ông Sơn không có tại nơi làm việc và tiếp chúng tôi là Trưởng ban pháp chế doanh nghiệp Nguyễn Thị Thu Hiền.

Với những câu hỏi phóng viên nêu, bà Hiền xin ghi lại và hứa sẽ chuyển câu trả lời sớm. Bà Hiền gửi cho phóng viên công văn số 361/2013/CT8-DN của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên phúc đáp đơn kiến nghị của khách hàng mua căn hộ. Về diện tích, doanh nghiệp khẳng định đã xây dựng và bàn giao căn hộ theo đúng hồ sơ thiết kế. Cụ thể là diện tích sàn căn hộ (bao gồm cả diện tích ban công, lô gia) được tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ. Về điều chỉnh thuế VAT đối với các căn hộ thương mại, doanh nghiệp đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, Nghị định 92/2013/NĐ-CP ngày 13-8-2013, quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và theo đúng Thông tư 141/2013/TT-BTC, ngày 16-10-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 92/2013/NĐ-CP. Mặt khác, trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cũng quy định rõ, đơn giá đã bao gồm giá trị gia tăng, việc điều chỉnh tăng hay giảm theo chính sách của Nhà nước do doanh nghiệp chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế.

Đối với các khoản thu phí lắp đặt trần thạch cao, sàn gỗ, phế thải xây dựng do phá dỡ, sửa chữa nhà khi được sự cho phép của chủ đầu tư, doanh nghiệp trả lời rằng, hộ gia đình nào có nhu cầu được doanh nghiệp trực tiếp thu gom rác thải, đổ đến nơi quy định thì vẫn tiến hành nộp phí như thông báo. Trường hợp các hộ tự thu xếp được thì sau khi sửa chữa nhà theo nhu cầu phải tự đi đổ rác ra khỏi khu đô thị. Việc bị các cơ quan chức năng phạt vi phạm do đổ rác thải từ việc sửa chữa nhà sai nơi quy định do khách hàng chịu trách nhiệm và trường hợp đổ bừa bãi trong khu đô thị hoặc đổ vào hố rác thải dùng cho sinh hoạt của khu căn hộ nếu bị phát hiện thì chủ đầu tư có quyền phạt theo quy định.

Thực tế, câu trả lời của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên vẫn chưa thỏa mãn đề nghị của các hộ dân mua nhà. Cụ thể là thời gian giảm trừ tiền thuế VAT theo Nghị định số 92/2013/NĐ-CP của Chính phủ và việc xuất hóa đơn VAT sau khi người dân đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Dư luận cũng đặt câu hỏi: Liệu việc xô xát xảy ra bên ngoài sàn giao dịch BĐS Đại Thanh có liên quan đến sự "chỉ đạo từ xa" của chủ đầu tư? Câu hỏi này, chúng tôi xin dành phần trả lời cho chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có câu trả lời thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.