Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có cách làm mới để các phong trào thi đua thực sự là động lực cho sự phát triển

Thái Sơn| 09/08/2015 06:39

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị, thời gian qua công tác thi đua - khen thưởng của Hà Nội đã có những cách làm sáng tạo, mang tính đột phá, tạo ra khí thế thi đua tích cực, đưa phong trào phát triển sâu rộng ở các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội và có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.


Điều đó đặc biệt có ý nghĩa nhằm thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, lập thành tích chào mừng Đại hội Ðảng các cấp, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng ông Phùng Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội.

Tập trung hai nội dung đột phá

- Giai đoạn 2010-2015, đặc biệt là từ giữa năm 2014 tới nay, công tác thi đua, khen thưởng của Hà Nội đã có những đổi mới ấn tượng so với thời gian trước. Theo ông, đâu là những cách làm mới, mang tính đột phá?

- Ngày 7-4-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TƯ nhằm mục tiêu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Ban TĐKT đã tham mưu với thành phố ban hành Chương trình hành động số 228/CTr-UBND về đổi mới công tác TĐKT giai đoạn 2015-2020. Trong 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình này có hai nội dung mang tính đột phá: Thứ nhất là đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua; Thứ hai là tập trung làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

- Thực tế, 2 nội dung ông vừa nêu, trước đây cũng đã từng được đề cập. Vậy xin ông cho biết cụ thể hơn về nét mới, sự đột phá đối với các đơn vị trong thực hiện từng nội dung này?


- Trong đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua có việc đổi mới hoạt động của cụm thi đua. Toàn thành phố hiện có 19 cụm thi đua với 154 đầu mối. Yêu cầu đặt ra với các cụm thi đua là ngay từ đầu năm, nội dung ký kết giao ước thi đua phải rõ ràng và cụ thể, phải có tính đột phá, tạo ra khí thế thi đua thực sự. Và quan trọng là định kỳ từng quý, giữa năm và tổng kết năm phải có tiêu chí cụ thể, điểm số chi tiết để đánh giá kết quả từng nội dung giao ước. Thứ hai là yêu cầu các đơn vị khi thi đua phải tổ chức thi đua với các điển hình; tức là có điển hình, mô hình tốt, chúng ta phải lấy đó là mục tiêu cụ thể để học tập và thi đua.

Ông Phùng Minh Sơn. Ảnh: Viết Thành


Có như vậy mới tính toán được kết quả thi đua cụ thể và nhân rộng các mô hình, điển hình tốt trong xã hội. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt chú trọng hướng các đơn vị tổ chức thi đua theo chuyên đề, nhằm giải quyết những việc khó, những mặt yếu, hạn chế vướng mắc tồn tại và thi đua để thực hiện những khâu đột phá của từng đơn vị. Điều này rất quan trọng, phải căn cứ vào tình hình thực tế từng đơn vị, từng cụm thi đua để đưa ra nội dung, tiêu chí, từ đó phát động thành phong trào thi đua, giúp từng đơn vị, cụm thi đua huy động mọi nguồn lực, trí tuệ, chung tay chung sức giải quyết hiệu quả những khó khăn, bất cập, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

- Như vậy trong tổ chức, thực hiện nội dung thi đua của từng đơn vị, từng cụm thi đua phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù công việc và tình hình cụ thể?

- Vâng! Đây chính là cách làm nhằm khắc phục một số hạn chế đã được Chỉ thị 34-CT/TƯ chỉ ra. Đó là, phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất…

Cán bộ nào, phong trào ấy

- Có thể hiểu, đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua phải bắt đầu ngay từ cơ sở, từng đơn vị, từng cụm thi đua. Chúng ta luôn mong muốn phong trào thi đua phát triển sâu rộng ở các ngành, các lĩnh vực và có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân; song có những khoảng thời gian, việc khen thưởng hầu hết tập trung cho… cán bộ. Dân gian có câu "bơ sữa chia từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên". Ông nghĩ sao về điều này, cụ thể với công tác TĐKT?

- Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, hay nói cách khác, động lực cách mạng chính là quần chúng nhân dân. Còn người lãnh đạo chỉ là người khởi nguồn, hướng dẫn, thúc đẩy. Đúng là ngày xưa chúng ta làm theo kiểu kỳ cuộc, bình chọn, dàn trải. Ở các cơ quan, đơn vị thường tập trung dồn thành tích, khen thưởng cho… cán bộ, lãnh đạo quản lý, điều hành, ít chú trọng quan tâm tới đối tượng người lao động và các tầng lớp nhân dân.

Do đó, phong trào thi đua thường bình bình, các mô hình, điển hình thiếu sức bật và sự lan tỏa trong xã hội. Công tác TĐKT hiện nay phải chuyển hướng mạnh mẽ, hướng tới đối tượng tạo động lực. Cụ thể, Chỉ thị 34-CT/TƯ nêu rõ, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp... Luật TĐKT được sửa đổi, bổ sung có những khoản mục quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cho các cá nhân là người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu, trong đó nêu rõ thành tích, đóng góp cho xã hội ở mức nào thì được cấp nào khen thưởng…

- Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ nào, phong trào ấy". Xét về công tác TĐKT, vai trò của những người đảm nhận phần việc chuyên trách này từ thành phố tới cơ sở như thế nào?


- Như tôi đã nói, trước đây, có những giai đoạn công tác TĐKT chưa được quan tâm đúng mức và bản thân những người làm chuyên trách công tác này cũng chưa được đầu tư đúng mức. Vì vậy không tránh khỏi tình trạng một bộ phận cán bộ làm công tác TĐKT thiếu chiều sâu về năng lực, nghiệp vụ. Do đó, theo tôi, muốn có phong trào thi đua phát triển sâu rộng trong toàn xã hội thì trước hết những người làm công tác này phải mang trong mình nhiệt huyết. Đây cũng chính là cái gốc để đổi mới công tác TĐKT.

Tôi lấy ví dụ, muốn đổi mới công tác TĐKT thì trước hết Ban TĐKT thành phố, Hội đồng TĐKT thành phố và từng cán bộ được giao phần việc này phải đổi mới cách nghĩ và cách làm. Cụ thể phải thay đổi cung cách làm việc, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Muốn vậy thì phải có năng lực và trước hết là phải có nhiệt huyết với công việc, tiếp đó là lựa chọn khâu đột phá, việc khó để chủ động tìm tòi cách thức, giải pháp để tham mưu, huy động mọi nguồn lực, trí tuệ sáng tạo nhằm đưa công tác TĐKT vào thực chất và để cơ sở nhận thức đúng tầm quan trọng, vai trò của công tác này trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Làm TĐKT mà không… sôi sùng sục thì phong trào trầm lắng là điều dễ hiểu.

- Ở khía cạnh khác, với từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, giả sử như người lãnh đạo, quản lý không chú trọng tới công tác TĐKT thì cũng khó tạo ra phong trào?

- Bản chất của thi đua là tự nguyện, tự giác. Trên cơ sở đó, nếu làm tốt thì các cấp, các ngành khen thưởng. Trách nhiệm của người đứng đầu là về nguyên tắc phải làm thế nào để cả hệ thống vận hành tốt, trong đó vai trò, vị trí của công tác TĐKT như tôi đã nêu là rất quan trọng. Về vấn đề này, Chỉ thị 34-CT/TƯ nêu rõ: "Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác TĐKT; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác TĐKT, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở".

Cách làm hướng về cơ sở


- Thưa ông, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động chào mừng Đại hội Ðảng các cấp, đồng thời hướng tới Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015. Việc Hội đồng TĐKT thành phố phát động Cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt có liên quan như thế nào đến đổi mới công tác TĐKT?

- Chúng tôi coi đây là bước đột phá về đổi mới công tác TĐKT, nhằm thông qua công tác tuyên truyền phát hiện các mô hình, điển hình, các gương tốt, việc làm, nghĩa cử có tính nhân văn, từ đó kịp thời nêu gương, khen thưởng góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội.

- Thực tế, những năm qua Hà Nội luôn là cái nôi của nhiều phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt, thành phố đã xuất bản 20 tập sách "Những bông hoa đẹp" nhằm tập hợp những gương "Người tốt, việc tốt". Vậy đâu là nét mới của cuộc thi này?


- Như tôi nêu ở phần đầu, một trong hai nội dung đột phá Hà Nội lựa chọn là việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Suy cho cùng, điển hình cụ thể là do con người cụ thể thực hiện. Vậy làm sao để phát hiện những con người cụ thể này? Trước đây trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan, tổ chức, đơn vị bình chọn. Thực hiện như vậy có cái gì đó mang tính bao cấp, chỉ tiêu, nhìn nhận… từ trên xuống. Trong khi đó, bản chất gương "Người tốt, việc tốt" là xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, là câu chuyện của con người, sự việc đang diễn ra, không chờ đến kỳ cuộc để bình xét, lựa chọn. Và như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy gương "Người tốt, việc tốt" để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, xây dựng lối sống mới, điều đó tốt hơn vạn lời tuyên truyền, diễn thuyết.

Cũng về vấn đề này, hằng năm chúng ta vẫn đều đặn xuất bản sách về "Người tốt, việc tốt", đối tượng viết chủ yếu là các phóng viên, nhà văn. Như vậy, "Người tốt, việc tốt" ở đây mới chỉ là những "địa chỉ" do cung cấp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc là phát hiện của một nhóm đối tượng trong xã hội. Nay chúng ta tổ chức Cuộc thi, đưa tiêu chí phát hiện lên hàng đầu, khuyến khích mọi đối tượng phát hiện, phản ánh nhanh, đúng và giới thiệu kịp thời các gương điển hình trong các lĩnh vực công tác và đời sống trên địa bàn Thủ đô, có tác động lan tỏa trong xã hội. Rồi từ đó, mọi đối tượng có thể tham gia viết, giới thiệu. Đồng thời cơ quan chuyên môn các cấp có thể nhanh chóng thẩm định, xác minh và tiến hành biểu dương, khen thưởng kịp thời, tạo ra không khí thi đua tích cực trong xã hội.

- Cuộc thi đã được các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô đón nhận như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu của Cuộc thi là hướng tới tác động lan tỏa thực chất của những gương "Người tốt, việc tốt" trong xã hội, đồng thời có tác dụng phát huy, tiếp nối những việc làm tích cực. Lấy thí dụ, từ việc phát hiện một con người, hoặc tổ chức âm thầm làm những công việc thiện nguyện, có ích, nhân văn trong xã hội, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khác có thể tập trung hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của công việc cụ thể đó. Mặt khác, chính những phát hiện về điển hình cụ thể là sự ghi nhận, tôn vinh của cộng đồng đối với từng việc làm, hành động có ý nghĩa trong đời sống của từng con người cụ thể. Ngay sau khi phát động Cuộc thi vào cuối tháng 1-2015, các sở, ngành, quận, huyện đều tích cực hưởng ứng. Những đơn vị như các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ… người dân đã phát hiện nhiều gương điển hình đặc biệt có giá trị, có những cá nhân hiện đang được đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Ông có thể cung cấp vài con số cụ thể để minh chứng cho hiệu quả của việc tổ chức Cuộc thi?


- Tính tới hết tháng 7-2015, thành phố đã khen thưởng 132 tập thể và 875 cá nhân được phát hiện từ Cuộc thi; các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc thành phố đã khen thưởng 1.339 tập thể và gần 6.000 cá nhân, trong đó có cả việc biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tại cơ sở.

- Với những người làm công tác TĐKT, ấn tượng về sự lan tỏa từ những "Người tốt, việc tốt" được phát hiện từ Cuộc thi như thế nào?

- Đó là Tổ nấu cháo từ thiện Khu dân cư Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. 12 thành viên trong tổ đã tự nguyện đóng góp gạo, đậu và tiền để mua nguyên liệu nấu cháo, mua sữa, bánh kẹo, làm từ thiện cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo tại Viện Bỏng quốc gia suốt từ năm 2011 đến nay. Cứ sáng thứ bảy hằng tuần, họ tập trung nhau lại từ 5h để làm công việc đó. Ngày 25-4 vừa rồi, chúng tôi đã xuống trực tiếp cơ sở để trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, chính quyền địa phương và rất đông nhân dân có mặt chứng kiến. Đó chính là sự tôn vinh, ghi nhận của cộng đồng đối với các thành viên trong tổ. Mục tiêu lan tỏa từ những gương điển hình là như vậy. Đây chỉ là một ví dụ cụ thể về những cá nhân, tập thể được phát hiện từ Cuộc thi này.

- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải có cách làm mới để các phong trào thi đua thực sự là động lực cho sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.