Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải chuyển từ độc thoại là chủ yếu sang đối thoại

Lê Hoàn - Quốc Bình| 22/01/2016 15:14

(HNMO) - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh cho rằng, đối tượng của công tác tuyên giáo là con người, hoạt động tuyên giáo là tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của con người. Do đó, để đạt được hiệu quả chỉ có thể thuyết phục.

Khi trình độ dân trí càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin ngày càng đa chiều, thì phương pháp tuyên giáo càng phải linh hoạt, mềm dẻo, tránh sự áp đặt, phải chuyển từ độc thoại là chủ yếu sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tham luận của đồng chí Mai Văn Ninh nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của đại biểu tham dự Đại hội XII.


Cùng mạch tư duy đó, đồng chí Mai Văn Ninh cho rằng, thời gian tới, làm công tác tuyên giáo không tránh né những vấn đề nhạy cảm. Đặc biệt phải tăng cường đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác trên cơ sở tôn trọng nhau, đó là con đường ngắn nhất để con người đến với con người. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những bức xúc về tư tưởng bắt nguồn từ nhận thức, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, triển khai thực hiện các chủ trương mới về phát triển y tế, giáo dục – đào tạo, … tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thực tiễn cho thấy, trước những bức xúc về tư tưởng, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, đúng đắn, định hướng tốt thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Ngược lại, dù sự việc không quá phức tạp, mức độ bức xúc chưa phải là đỉnh điểm, nhưng nếu thông tin không kịp thời, chậm trễ, không nhất quán, định hướng dư luận không tốt thì sự việc dễ trở lên phức tạp làm nóng lên bởi nhiều yếu tố trái chiều trong xã hội. Do vậy, công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn mà phải đi trước để dự báo, định hướng, đi trong các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm. Chỉ làm được như vậy, công tác tuyên giáo mới gắn bó mật thiết và phục vụ thực tiễn một cách thiết thực, hiệu quả.

Năm năm qua, cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng có bước tiến mới. Chúng ta đã tiến hành đồng bộ hơn cuộc đấu tranh tư tưởng với nhiều hình thức: tuyên truyền miệng, thông tin, báo chí, v.v. Đặc biệt, đã tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ của các thế lực thù địch, chống đối trên mạng internet. Cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ được chú trọng, nổi bật là việc tổ chức đối thoại với những người nói và viết trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, đấu tranh phản bác tin xấu, độc trên mạng internet có việc còn chậm, hiệu quả thấp.

Đồng chí Mai Văn Ninh khẳng định, sau Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Trọng tâm là ngăn chặn tác động của “diễn biến hòa bình” dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Tiêu điểm là chủ động, kịp thời nắm bắt, xử lý, phản bác các thông tin xấu, độc trên mạng internet. Ba mũi tấn công chủ yếu cần được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh là: tuyên truyền miệng – đối thoại trực tiếp – phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu lý luận, an ninh tư tưởng – văn hóa, bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan hữu quan khác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh cho rằng, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, có tính ổn định tương đối, bộ máy tinh gọn để nâng cao hiệu quả công việc. Trong các nhân tố tạo nên chất lượng của cán bộ tuyên giáo, yêu cầu bản lĩnh và nhạy bén chính trị đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, luôn phải tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, cần có tấm lòng thương dân, dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải chuyển từ độc thoại là chủ yếu sang đối thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.