(HNM) - Cũng rất tốt khi chúng ta quan tâm nhiều về các bệnh truyền nhiễm hay các loại dịch, tuy nhiên tại hội thảo
Hiện tại, ở Việt Nam có 12,5 triệu người mắc chứng bệnh tăng huyết áp, mỗi năm có 125.000 người mới mắc bệnh ung thư, 2,5 triệu người bị tiểu đường, 12 triệu người liên quan đến stress và cứ 10 người tử vong vì bệnh tật thì 7 người liên quan đến các bệnh không lây nhiễm. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, nguyên nhân chủ quan là do con người sống và sinh hoạt không theo những khuyến cáo của chuyên gia y tế: Hút thuốc lá, uống rượu bia vô độ, ít vận động cơ thể… Nguyên nhân khách quan là môi trường sống không an toàn: Ô nhiễm môi trường, thực phẩm có hóa chất độc hại... Một nguyên nhân khác có yếu tố xã hội: Sức ép cuộc sống ngày càng tăng, xã hội vẫn còn nhiều bất bình đẳng.
Một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải rắn, ô nhiễm chất lỏng đang có chiều hướng gia tăng và đặc biệt, thực phẩm có chứa các chất độc hại không được kiểm soát chặt chẽ. Cũng phải khẳng định rằng: Nhà nước có nhiều chính sách bảo vệ và chăm lo sức khỏe người dân, thế nhưng việc thực hiện luôn là khâu yếu nhất. Gần như các cơ quan chức năng chỉ trông chờ vào bản tự kê khai an toàn vệ sinh thực phẩm của đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp nhập khẩu..., thiếu chủ động kiểm tra thị trường. Chỉ khi có chuyện mới lập đoàn tổ chức thanh tra, kiểm tra và khi phát hiện ra thì đã có rất nhiều người tiêu dùng sử dụng thực phẩm độc hại. Công tác kiểm nghiệm hoa quả nhập khẩu thì có thể nói là... làm cho có. Bởi lẽ, khi có được kết quả thì số hoa quả ấy đã chui vào bụng người tiêu dùng. Hay như ô nhiễm chì trong đất và nước ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đâu phải bây giờ mới phát hiện ra, huyện và tỉnh đã biết rõ từ hơn 10 năm nay.
Bệnh tật đã và đang tác động trực tiếp đến túi tiền của các gia đình, nhất là gia đình nghèo. Nhà có người mắc bệnh thì người thân phải nghỉ việc để trông nom, nghĩa là ít ra thì hai người không thể lao động. Lại thêm chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng vì theo tính toán của các cơ sở y tế, mức chi trả như hiện nay là quá thấp, chưa đủ tiền vật tư, thuốc men. Số người mắc bệnh ngày càng nhiều đương nhiên sẽ làm giảm nguồn nhân lực lao động trong xã hội. Mặt khác khi nó trở thành vấn đề xã hội sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế đất nước. Một điều đáng nói nữa là trong các căn bệnh không lây nhiễm có nhiều bệnh sẽ di truyền cho các thế hệ sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến giống nòi Việt trong tương lai. Nếu các cơ quan thực thi còn buông lỏng như hiện nay thì số ca mắc ung thư mới sẽ cao hơn nhiều so với con số 125.000 người hiện nay. Mỗi người dân khỏe mạnh về thể chất và tinh thần sẽ giảm gánh nặng y tế quốc gia, đồng thời tăng sức mạnh của cả dân tộc.
Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng phòng nghĩa là phải ngăn chặn tối đa các nguy cơ gây bệnh. Và để làm được việc đó thì trước hết phải chữa "căn bệnh buông lỏng quản lý" của các cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.