Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải chăng tại giá thành?

Việt Nga| 23/05/2011 07:20

(HNM) - Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) vừa phối hợp với ngành chức năng phát động chiến dịch vận động các doanh nghiệp (DN) kinh doanh phần mềm tôn trọng bản quyền, nhằm đẩy lùi nạn dùng phần mềm


Theo đại diện của BSA, thời gian gần đây, với sự hợp tác hiệu quả giữa Cục Bản quyền tác giả, ngành chức năng đã vào cuộc chống lại nạn vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, khối DN có những cải thiện rõ trong việc tuân thủ pháp luật về BQPM. Nhưng, tỷ lệ vi phạm BQPM tại khối người tiêu dùng lại tăng, mà nguyên nhân là do lượng khách hàng mua máy tính cá nhân ngày càng nhiều.

Theo điều tra của IDC - Công ty chuyên nghiên cứu về thị trường công nghệ thông tin, năm 2009 tỷ lệ tăng trưởng khối máy tính cá nhân lên tới 41% và hầu hết các máy tính cá nhân đều cài đặt phần mềm không có bản quyền. Do vậy, BSA, ngành chức năng đã xác định cần tập trung tuyên truyền, vận động các DN kinh doanh phần mềm và bán máy tính chấp hành quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm. Chỉ khi các đơn vị này tuân thủ đúng quy định, không bán phần mềm "lậu", không cài đặt sẵn phần mềm chưa có bản quyền trong máy tính, hoặc không hỗ trợ cài đặt tại nhà cho khách hàng… mới hạn chế được vi phạm về BQPM. Trước khi nhân mô hình này ra toàn quốc, chiến dịch vận động được thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành đã đến một số siêu thị kinh doanh điện tử, điện máy để tuyên truyền các quy định của pháp luật về BQPM cho các đơn vị kinh doanh tại đây và đưa ra bản khuyến cáo về các hành vi vi phạm bản quyền…

Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ vi phạm BQPM vẫn ở mức cao (85% năm 2009 và 2010). Điều này cho thấy, "cuộc chiến" ngăn chặn, đẩy lùi nạn vi phạm BQPM không đơn giản. Đại diện BSA cũng thừa nhận, đây không phải là việc làm của ngày một ngày hai, mà phải là lâu dài. Ngay cuộc vận động, tuyên truyền mà BSA phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện như kể trên, trước tiên cũng nhằm nâng cao nhận thức.

Nhưng một trong những nguyên nhân khiến nạn vi phạm về BQPM tại Việt Nam còn cao là do giá thành của các sản phẩm này là quá cao (từ vài trăm đến vài nghìn USD/bộ sản phẩm) so với mức thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam - những người trực tiếp phải mua các bộ sản phẩm nếu sử dụng phần mềm có bản quyền. Tất nhiên, không thể lấy giá thành để ngụy biện cho hành vi "xài chùa", nhưng thực sự nó cũng là rào cản quan trọng khiến người dân vi phạm. Đơn giản, không phải ai cũng đủ tiềm lực kinh tế để mua đủ bộ phần mềm có giá bằng hoặc cao hơn tiền mua máy tính, dù biết rằng, dùng phần mềm "lậu" là vi phạm... không phải loại phần mềm nào cũng có giá chỉ 20 USD (tương tương hơn 400.000 đồng) như sản phẩm diệt virus của Bkis mà không ít người Việt Nam đã bỏ tiền mua… Cách đây vài năm, một số chuyên gia trong ngành, lãnh đạo một số hiệp hội về tin học từng đề xuất, các công ty phần mềm nước ngoài kinh doanh tại thị trường Việt Nam cần có chính sách bán hàng phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong nước (là khách hàng cá nhân) và đó được coi là biện pháp quan trọng để đẩy lùi nạn vi phạm BQPM… Tuy nhiên, cho đến nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn "dài cổ" mong các DN phần mềm nước ngoài thực hiện đề xuất trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải chăng tại giá thành?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.