Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải "biết ngượng" để tìm về những giá trị làm nên nét đẹp người Hà Nội

Cù Xuân Trường| 25/04/2016 06:12

(HNM) - Lối sống tự do, tùy tiện theo kiểu "đường ta, ta cứ đi", bất chấp quy định pháp luật; lối tư duy vật chất, thực dụng theo kiểu "có tiền mua tiên cũng được"; lối sống ích kỷ, ứng xử thiếu văn hóa như quét rác trong nhà ra đường hay khạc nhổ bừa bãi… đã làm méo mó, biến dạng tính cách người Hà Nội.

Một tính cách mà theo nhiều nhà nghiên cứu "đã trở nên hoàn chỉnh" và như cách nói dân gian "không thanh lịch cũng là người Tràng An". Tính cách người Hà Nội là một nét đẹp của văn hóa Hà Nội. Đã đến lúc người Hà Nội cần phải "biết ngượng" để tìm về những giá trị đã làm nên niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội hội tụ tinh hoa không chỉ theo thời gian (nghìn năm lịch sử) mà còn cả không gian (Đông-Tây). Tính cách người Hà Nội đã hình thành từ những nét đặc trưng riêng có đó và được dung dưỡng trong một môi trường đầy quyến rũ của thành phố "trong sông" với những hồ đầm, những con phố bàn cờ, những ngôi nhà lợp ngói dưới tán cây xanh… Môi trường thanh nhã của Hà Nội đã sàng lọc nghiêm khắc những gì mà nó thu nạp để kết tinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thường nói, Hà Nội "hội tụ - giao lưu - kết tinh - lan tỏa" là vì vậy. Thế nhưng những tính cách người Hà Nội kết tinh từ dặm dài lịch sử, thể hiện qua biểu tượng Tháp bút - "tả thanh thiên" không còn bao nhiêu trong đời sống hiện tại. Có người cho rằng, tính cách Hà Nội chỉ còn trong tâm thức như một khát vọng trở về với những giá trị vốn có.

Vì sao ra như thế? Có rất nhiều nguyên nhân. Có thể nói, trong một thời gian dài, "văn hóa bao cấp" đã tác động mạnh mẽ đến tính cách người Hà Nội. Tính phong trào và "di chứng" của chế độ tem phiếu làm tan dần những giá trị cá nhân đã góp làm nên "áo hào hoa" - một nét riêng rất đáng tự hào của người Hà Nội. Rồi đời sống vật chất khó khăn và cung cách quản lý quan liêu nảy sinh quan hệ xin - cho và ăn vào tính cách của người Hà Nội. Ở một khía cạnh khác, có thể thấy lối tư duy "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" hay "văn hóa phong bì" có liên hệ mật thiết với "quan hệ xin - cho" hình thành từ thời kỳ này. Hệ lụy đeo đẳng và ngày càng lớn, đến hôm nay thực sự nhức nhối mỗi khi bàn đến tinh thần phục vụ của những "công bộc" trong bộ máy công quyền.

Cấu trúc cư dân thay đổi, người Hà Nội cũ sinh sống nơi hàng phố không nhiều. Cuốn theo cơn lốc đô thị hóa, làng biến thành phố. Cấu trúc cư dân thay đổi trong một "thế giới mở" tạo ra những rung lắc dữ dội về văn hóa. Người phố nhưng vẫn ứng xử với nhau như người làng với những thói quen, cách nghĩ chưa phù hợp với nếp sống đô thị.

"Đường ta, ta cứ đi". Xe cộ phóng ào ào bất chấp tính mạng người khác. Nhiều con phố trở thành "điểm hẹn" của "du lịch mạo hiểm". Công bằng mà nói hạ tầng giao thông ở Hà Nội còn nhiều bất cập, thế nhưng mỗi người tham gia giao thông biết tôn trọng pháp luật và hành xử có văn hóa chắc chắn đường phố không nghẽn tắc và không nhiều người bị tai nạn giao thông như vậy… Và nữa, "nhà ta, ta cứ xây", không gian kiến trúc bị phá vỡ. Nhiều khu phố nát bươm vì mạnh ai nấy làm để rồi cái nhô ra, cái thụt vào, cái nằm chéo với mặt đường. Nhà cổ xuống cấp, phố cổ nhom nhem. Nhà chung cư cơi nới muôn hình, nhan nhản ba lô, chuồng cọp…

Lối sống của người Hà Nội xưa dường như tan biến trong bề bộn toan lo. Không nhiều người còn quan niệm "lời chào cao hơn mâm cỗ". Ít thấy con cái đi làm đi học khoanh tay xin phép ông bà, bố mẹ như xưa. Câu tục, câu bậy len lỏi vào mỗi gia đình lắm khi nhiều hơn lời cảm ơn, xin lỗi. Khi ra đường người ta sẵn sàng "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" vì những lý do không đâu, thậm chí chỉ vì một cái liếc mắt (nhìn đểu)… Đáng buồn hơn, "bún mắng", "cháo chửi" dù cá biệt, nhưng rõ ràng là thứ không thể chấp nhận trong xã hội văn minh nhưng nhiều người Hà Nội vẫn coi đó là bình thường, vẫn "cắm mặt" để tận hưởng "thú" ẩm thực không giống ai ấy. Ngay cả thói quen xếp hàng - một nét đẹp về sự nhường nhịn, sẻ chia, tôn trọng cộng đồng và biểu hiện cho nếp sống văn minh cũng dần trở nên hiếm hoi. Vì sao vậy? Phải chăng từ lạc lõng giữa cái xấu nhiều người Hà Nội đã chấp nhận cái xấu?

Theo một nhà nghiên cứu, "…tình trạng gần như vượt ra khỏi tầm kiểm soát về mặt văn hóa - xã hội hiện nay không chỉ đơn giản là đáng báo động". Có thể nói, rất nhiều người Hà Nội đang sống với một hệ tính cách bất thường. Họ vô cảm trước những hành vi phản văn hóa, họ chấp nhận cái xấu, cái ác… Và nguy cơ tha hóa tính cách ngày càng lớn hơn khi nhiều người không còn biết ngượng trước những hành vi thiếu văn hóa của chính mình, không ý thức được rằng những hành vi đó đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút khách du lịch, làm mất đi những cơ hội phát triển kinh tế và tác động rất xấu đến chất lượng sống của chính người Hà Nội hôm nay và mai sau.

Hà Nội sẽ ra sao khi cư dân thành phố đánh mất lòng tự trọng và không còn yêu Hà Nội với niềm kiêu hãnh từng làm nên những giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội?

Tính cách người Hà Nội góp phần tạo nên văn hóa Hà Nội và đó chính là nền tảng vững chắc, là động lực cho Thủ đô phát triển bền vững. Do vậy, việc điều chỉnh thói quen, lối sống, hành vi, xây dựng những giá trị, những nét đẹp người Hà Nội… phải được xem là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền, đoàn thể. Mặt khác, để hình thành nếp sống mới trong một "thế giới mở" không thể ào ào chạy theo phong trào mà đòi hỏi những giải pháp thiết thực và sát thực. Thậm chí phải "đụng" đến lòng tự trọng (bêu danh) và túi tiền (phạt thật nặng) để buộc phải thay đổi hành vi. Và đương nhiên thay đổi thói quen trong mỗi con người không phải là câu chuyện ngày một ngày hai nên vừa quyết liệt, vừa phải kiên trì.

Một điều quan trọng cần "nằm lòng": Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nên Hà Nội phải là Thủ đô văn hiến, phải xanh, sạch, đẹp. Và "xây dựng văn hóa Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa dân tộc" cần được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của người Hà Nội.

Đã đến lúc phải có những hành động thiết thực để trả lại cho người Hà Nội những nét đẹp trong tính cách. Hãy bớt đi những phong trào không mang lại hiệu quả thiết thực, bớt ngợi ca những cái đẹp của ngày hôm qua và hãy tuyên chiến với những thói xấu mà việc để nó len lỏi vào đời sống xã hội có phần lỗi của chính mỗi người Hà Nội. Cư dân của "kinh đô văn hiến", nơi "hội tụ, kết tinh, lan tỏa" những giá trị Việt Nam không thể vô cảm, bất chấp pháp luật... Và quan trọng hơn, cùng với việc tạo dựng những giá trị mới, người Hà Nội hôm nay phải "biết ngượng" để tìm về những giá trị riêng có đã góp phần làm đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải "biết ngượng" để tìm về những giá trị làm nên nét đẹp người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.