(HNM) - Tỷ lệ phim nhập nước ngoài áp đảo phim trong nước, rạp chiếu phim ở các tỉnh, thành nhỏ vắng khách, nhiều chính sách cho phát hành và phổ biến phim không còn hợp lý… Đó là những lý do chính khiến nhiều đại diện trong giới phát hành, phổ biến phim mong muốn thành lập một hiệp hội để tập hợp những đơn vị hoạt động trong hai lĩnh vực này.
Hiện có hiện tượng độc quyền khi nhà phát hành "nắm rạp chiếu trong tay", chèn ép các hãng phim nhỏ, "rạp lẻ". Nguồn phim chiếu rạp hiện nay chủ yếu là phim nước ngoài, đa số phim này nằm trong tay một vài nhà phát hành. Bởi vậy, muốn có phim để chiếu thì các rạp nhỏ, lẻ phải chấp nhận mức thu tối thiểu trên mỗi khán giả và tỷ lệ tiền thuê phim… do các đơn vị này ấn định. Ngay các nhà sản xuất phim Việt Nam, vì không có rạp nên phải mướt mồ hôi tìm nhà phát hành. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, phổ biến phim nói chung ở trong nước. Phim, rạp chiếu phim sẽ chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nơi cho doanh thu cao… Trước thực tế ấy, Cục Điện ảnh cho rằng có thể tính đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm đứng ra điều tiết việc phát hành, phổ biến phim, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị...
Việc cho ra đời tổ chức này không thể mang tính hình thức. Tổ chức ấy phải đủ sức là đại diện cho các nhà phát hành, phổ biến phim chứ không phải là "đại diện cho một nhóm" đơn vị mạnh. Có như thế mới hy vọng thấy được ở hiệp hội những hoạt động điều phối, tổ chức thương lượng trong phát hành, phổ biến phim, nêu kiến nghị của giới nghề nghiệp với Nhà nước... một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.