(HNM),- Thu phí bảo vệ môi trường qua nước thải được bắt đầu thực hiện từ năm 2004, nhằm hạn chế các doanh nghiệp xả thải ô nhiễm ra môi trường, vì vậy nếu nước thải ô nhiễm cao thì phí nộp càng cao.
Phí nước thải công nghiệp thấp hơn nước sinh hoạt!
Ông Trần Ngọc Định, Phó phòng Thu phí môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) cho biết, qua 5 năm, TP Hồ Chí Minh đã thu được gần 572 tỷ đồng phí BVMT đối với nước thải. Trong đó, phí của nước thải sinh hoạt chiếm hơn 93% với 536 tỷ đồng, còn nước thải công nghiệp chỉ thu được gần 36 tỷ đồng, tức là chưa đầy 7%(?!)
Sự bất hợp lý này là do quy định mức phí BVMT của nước thải công nghiệp thấp hơn nhiều so với nước thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chi cục phó Chi cục BVMT cho biết, hộ gia đình đóng phí nước thải sinh hoạt thấp nhất là 400 đồng/m3(trong định mức 4m3/người/tháng) và 800 đồng/m3 với số nước vượt định mức. Vậy mà, phí nước thải công nghiệp được tính theo nồng độ của từng chất gây ô nhiễm đo đạc được thấp hơn rất nhiều, thậm chí có doanh nghiệp chỉ phải trả 100-200 đồng/m3 nước. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đóng phí nước thải sinh hoạt trên hóa đơn tiền nước dùng hằng tháng của công ty cấp nước nên không thể "trốn" phí, bởi nếu không đóng phí thì sẽ bị ngưng cung cấp nước. Trong khi đó nước thải công nghiệp được thu tùy theo đối tượng sử dụng gây ô nhiễm, được tự kê khai nên doanh nghiệp mặc sức né tránh không kê khai hoặc kê khai không đúng với thực tế xả thải. Đồng thời, việc xác định chính xác lưu lượng và nồng độ chất gây ô nhiễm của từng doanh nghiệp rất khó khăn. Trước khi đến doanh nghiệp lấy mẫu nước thải thẩm định, chi cục phải thông báo trước nên nhiều doanh nghiệp đối phó bằng cách giảm công suất, ngưng hoạt động các khâu phát sinh nước thải, vận hành hệ thống xử lý nước thải (trong khi bình thường ngưng hoạt động), hoặc pha loãng nước thải… khiến đo đạc không còn chính xác.
PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường cho rằng, cách đây 5 năm, khi nghị định về thu phí ra đời thì mức thu nước thải công nghiệp đã thấp hơn các nước lân cận là Singapore và Malaysia khoảng 50 lần; và cho đến nay, sau 5 năm thì mức thu này vẫn giữ nguyên như cũ!
Thu đúng và đủ: Quá khó!
Không chỉ mức thu thấp, các chất ô nhiễm chịu phí còn chưa bao quát hết thành phần gây ô nhiễm trong nước. Chẳng hạn, quy định chỉ có 6 chất gây ô nhiễm là chất rắn lơ lửng, thủy ngân, chì, Arsenic, Cadmium phải đóng phí trong khi đó có rất nhiều chất độc hại khác đang ngày đêm bị thải ra môi trường được… thoát tội! Đối tượng nộp phí cũng bất hợp lý khi các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà hàng, khách sạn, cơ sở nấu ăn, chợ, siêu thị… vốn có hàm lượng ô nhiễm trong nước thải cao lại không thuộc đối tượng nộp phí BVMT!
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho biết, việc thu đúng, thu đủ phí BVMT luôn là vấn đề quá khó với chi cục. Việc "truy" đủ các doanh nghiệp phải nộp thuế đã khó, khi đã xác định mức phạt rồi mà các doanh nghiệp chây ỳ, không chịu trả thì chi cục cũng… bó tay! Hiện doanh nghiệp nợ phí quá nhiều và chi cục cũng rất lúng túng trong xử lý. Nhiều doanh nghiệp nợ chỉ 1-2 triệu đồng, nhưng cũng có những doanh nghiệp "đại gia nợ" như Công ty CP Thuộc da Hào Dương với số nợ đến hơn 2 tỷ đồng! Ông Hoàng cho biết, chi cục chỉ có thể ra văn bản nhắc nhở công ty và đề nghị Thanh tra Sở TN&MT vào cuộc. Tuy nhiên khi thanh tra vào cuộc thì lại bắt đầu quy trình kiểm tra, lấy mẫu để xác định vi phạm… Thậm chí, khi xác định vi phạm rồi thì mức chế tài cũng rất "nhẹ nhàng" khiến các doanh nghiệp xem thường!
Mức thu phí BVMT thấp với các cơ sở sản xuất công nghiệp đã khiến các doanh nghiệp "né" đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng cách… chịu nộp phạt! Bởi đầu tư và vận hành một hệ thống xử lý nước thải đắt hơn nhiều so với bị phạt! Với nhiều bất cập trên, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định mới về thu phí BVMT đối với nước thải. Theo đó cần tăng mức phí BVMT, bổ sung các đối tượng nêu trên vào diện nộp phí, tăng số chất gây ô nhiễm tính phí, tăng chế tài vi phạm xả thải ra môi trường… để bảo đảm sự công bằng trong công tác BVMT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.