(HNM) - Thống kê của 30 quận, huyện, thị xã, hiện thành phố có 1.727 dự án đang thu hồi đất, với diện tích 7.104ha, liên quan đến 83.045 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức… Tuy nhiên, một số địa phương gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án “giậm chân tại chỗ”.
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, một trong số dự án chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Bá Hoạt |
Còn vướng mắc từ cơ chế
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố chỉ đạo các sở, ngành quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách; khuyến khích người dân nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện… Tuy nhiên, do nhiều trường hợp chưa có trong chính sách khung; hoặc chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có sự thay đổi qua từng thời kỳ, trong khi chưa có cơ chế để giải quyết dứt điểm, dẫn đến có dự án “án binh bất động” tới 9-10 năm.
Tại huyện Đan Phượng, năm 2007-2008 thực hiện các dự án: Tuyến nối với đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; khu tái định cư dự án đường nối đường Hoàng Quốc Việt; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ xã Tân Lập; mương tiêu thoát nước xã Tân Hội... Tuy nhiên, do việc thu hồi đất thực hiện vào thời điểm hợp nhất giữa tỉnh Hà Tây (cũ) với TP Hà Nội nên chế độ, chính sách khác nhau. Ngoài ra, chỉ trong thời gian ngắn, chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ của trung ương, thành phố, có nhiều thay đổi khiến nhiều hộ dân so bì sự chênh lệch về mức bồi thường, hỗ trợ giữa các dự án nên không nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng và kiến nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với phần diện tích đất bị thu hồi dưới 30%...
Như tại huyện Hoài Đức, năm 2016 thực hiện dự án đất dịch vụ xã Song Phương, có 447 hộ gia đình trong diện thu hồi đất, trong đó 293 hộ có phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng 3,5 lần giá đất nông nghiệp, còn 154 hộ được hỗ trợ 5 lần giá đất nông nghiệp. Một dự án, 2 chế độ hỗ trợ khác nhau đã tạo độ "vênh", khiến nhiều hộ gia đình không nhận tiền bồi thường và có đơn kiến nghị. Tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án vì thế mà bị kéo chậm.
Bên cạnh đó, việc thiếu chỉ đạo quyết liệt, cộng với sự vận động, tuyên truyền của một số địa phương chưa tích cực đã kéo lùi tiến độ giải phóng mặt bằng. Tại huyện Đông Anh, Dự án xây dựng khu Trung tâm Văn hóa, thể dục thể thao huyện được triển khai từ năm 2011 trên địa bàn xã Uy Nỗ và thị trấn Đông Anh, liên quan đến 379 ngôi mộ. Để di dời mộ trên đất dự án, huyện Đông Anh đã xây dựng nghĩa trang mới, nhưng chỉ chuyển được 9 ngôi mộ, còn 370 ngôi mộ chưa thể di chuyển do nhân dân không hợp tác để kê khai, kiểm đếm...
Tính đến cuối tháng 11-2017, thành phố đã phê duyệt 24.753 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 12.125 tỷ đồng; xét tái định cư cho 966 trường hợp, đồng thời hỗ trợ bằng tiền để 341 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tự lo tái định cư; các địa phương đã chi trả 10.525 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 21.345 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và giao 693 căn hộ, lô đất tái định cư và nhận bàn giao mặt bằng 916ha đất tại 249 dự án... |
Tổng hòa các giải pháp
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Huyện có 288 hộ gia đình được ghi nhận đã thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp được giao. Nếu UBND thành phố chấp thuận hỗ trợ bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất sẽ giúp Đan Phượng giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc vì huyện đã chuẩn bị đủ quỹ đất. Tương tự, huyện Hoài Đức cũng đề nghị thành phố cho phép thực hiện thống nhất chung một cơ chế bồi thường, hỗ trợ đối với dự án đất dịch vụ xã Song Phương.
Riêng đối với Dự án xây dựng khu Trung tâm Văn hóa, thể dục thể thao huyện Đông Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh Phạm Minh Toàn cho rằng: Cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ huyện đến xã trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân.
Trên cơ sở đề nghị của các địa phương về giải quyết những vướng mắc vượt thẩm quyền, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thống nhất đề xuất hướng giải quyết và trình UBND thành phố xem xét, quyết định nên đã cơ bản giúp các địa phương giải phóng mặt bằng nhiều dự án theo kế hoạch.
Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Ban đã chủ trì khoảng 140 cuộc họp liên ngành, giải quyết hơn 300 nội dung. Tuy nhiên, với những dự án liên quan đến cơ chế, chính sách, vẫn phải chờ chỉ đạo của bộ, ngành chức năng và UBND thành phố.
Từ vướng mắc thực tế và những đề xuất, kiến nghị của địa phương, hiện nay UBND thành phố đã chỉ đạo: Chủ tịch UBND cấp huyện chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; các sở, ban, ngành thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt công tác chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư; sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý để chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa vi phạm…
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, bên cạnh việc hoàn thiện về cơ chế, chính sách thì công tác vận động, tuyên truyền là điều mấu chốt giúp người dân hiểu, đồng thuận và hợp tác với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc chậm giải phóng mặt bằng... Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, mới mong những khó khăn hiện nay được tháo gỡ một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.